MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chậm trễ xây dựng và kết nối lưới điện "gây khó" nhà đầu tư điện gió

Cường Ngô LDO | 07/04/2022 13:35

Theo các chuyên gia năng lượng nhận định, các dự án điện gió ngoài khơi có khả năng thu xếp vốn tốt hơn, tiềm năng phát triển với quy mô và công suất lớn hơn nhiều so với các dự án năng lượng tái tạo khác và cần được kết nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia ở cấp điện áp 220kV hoặc 500kV.

Những khó khăn mà các dự án năng lượng tái tạo đang gặp phải 

Trao đổi với Lao Động, một đại diện của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận) cho biết, việc đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có nhiều lợi thế hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Bởi, điện gió ngoài khơi tránh được nhiều hạn chế đáng kể mà các dự án năng lượng tái tạo trên bờ đang gặp phải, chẳng hạn như yêu cầu diện tích đất đai rất lớn, tác động cảnh quan và tầm mắt, tiếng ồn/độ rung trong quá trình xây dựng và vận hành”, vị đại diện cho hay.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, nhiều dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời thường có hệ số công suất hàng năm thấp (20 - 30%). Các dự án này, với quy mô vừa và nhỏ, thường xuyên được đấu nối vào lưới điện quốc gia ở cấp điện áp thấp (220 kV, 110 kV trở xuống) nên cũng đóng góp công suất nhỏ hơn vào lưới điện. Điện gió ngoài khơi có thể cung cấp hệ số công suất hàng năm gần gấp đôi mức này và kết nối ở điện áp cao hơn (220kV, 500kV).

"Hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc cho phép các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng đường dây truyền tải đấu nối. Tuy nhiên, việc hiệu chỉnh Luật Điện lực gần đây đã cho phép khối tư nhân đầu tư vào các đường truyền tải này. 

Nếu có quy định rõ ràng hơn, các nhà phát triển dự án có thể cân nhắc việc đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.

Cách dự án điện gió ngoài khơi giải quyết những thách thức trong kết nối lưới điện. Ảnh: GWEC 

Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện", đại diện dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay.

Cũng theo doanh nghiệp này, đơn vị vận hành hệ thống điện cần đảm bảo có đủ nguồn điện đáp ứng nhu cầu phụ tải trong ngày. Khi có quá nhiều dự án ở các khu vực phụ tải tại chỗ thấp có thể dẫn đến tình trạng thừa công suất và tắc nghẽn (đặc biệt là vào thời gian thấp điểm), dẫn đến áp lực cho đơn vị vận hành, thậm chí phải cắt giảm công suất (khi công suất phát vượt quá nhu cầu buộc đơn vị vận hành cắt giảm hoặc ngừng phát điện).

Cần bao nhiều tiền để đầu tư nguồn và lưới điện theo kịch bản Net Zero?

Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam diễn ra sáng nay (7.4), ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng cũng cho hay, để hướng tới mục tiêu Net Zero (không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển) vào năm 2050, cơ cấu nguồn điện thay đổi rất nhiều.

Với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Mà nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.

Theo tính toán của ông Cường, việc xây dựng nguồn điện gió ở miền Nam hiệu quả hơn nhiều ở miền Bắc, bởi khu vực Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), có gió tốt nhất miền Bắc, nhưng chỉ đạt Tmax 3.000h, trong khi miền Trung đạt Tmax 4.200h.

"Do đó, chấp nhận xây đường dây truyền tải để đưa điện ra miền Bắc còn rẻ hơn xây điện gió miền Bắc", ông Cường khẳng định và cho biết, điều này dẫn đến nhu cầu nâng cao công suất truyền tải từ miền Trung và miền Bắc lên 5GW đến năm 2035, 10 GW đến năm 2040.

Tất cả những thách thức trên khiến vốn đầu tư cho phát triển điện lực tăng cao. Cụ thể, nếu đầu tư thông thường giai đoạn 2021-2045 cần khoảng 400 tỉ USD đầu tư nguồn và lưới, nhưng theo kịch bản Net Zero sẽ tăng lên 33%, tương ứng mức đầu tư khoảng 532 tỷ USD (mỗi năm tăng 5 tỷ USD).

"Đây là thách thức lớn cho nền kinh tế. Do đó, ông Cường cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho hạ tầng nguồn - lưới điện, mới cung cấp đủ điện. Chính phủ cũng đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi cho phép tư nhân tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn