MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vốn của doanh nghiệp FDI đổ vào Việt Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt khoảng 150-200 tỉ USD. Ảnh: MPI

Chặn đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" khi thu hút FDI

Lam Duy LDO | 22/05/2021 18:06
Đây là một nội dung đáng chú ý liên quan đến đầu tư FDI trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), sau một thời gian hoàn thiện, cơ quan này vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

18 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và 41 địa phương tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch này trước khi được Bộ KHĐT tổng hợp, trình lên Chính phủ.

Theo Bộ KHĐT, mục tiêu tổng quát của kế hoạch này là nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài, từng bước tạo lập được hệ thống động lực và các yếu tố nền tảng để hướng tới nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Kế hoạch cũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ chú trọng phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, từ cường của nền kinh tế.

Đáng chú ý, ở nhóm nhiệm vụ này, kế hoạch đưa ra định hướng phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong cơ cấu lại nền kinh tế, trong nâng cấp chuỗi giá trị và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Kế hoạch theo đó đặt mục tiêu vốn đăng ký của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 150-200 tỉ USD; Vốn thực hiện trong giai đoạn đạt khoảng 100-150 tỉ USD và tỉ lệ giải ngân vốn FDI đạt khoảng 66,7-75%.

Tuy nhiên việc thu hút đầu tư FDI phải gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Đồng thời tăng cường thu hút FDI quy mô lớn và các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thông qua các chương trình xúc tiến.

Liên quan đến thu hút đầu tư FDI, dự thảo kế hoạch mà Bộ KHĐT vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra nhiệm vụ là nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định về "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương tương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Dự thảo kế hoạch cũng định hướng nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Đồng thời xây dựng định mức, tiêu chuẩn quốc gia chính thức cho từng loại dự án FDI để làm căn cứ lựa chọn dự án và giám sát thực hiện dự án sau đầu tư đồng nhất ở cấp trung ương và cấp địa phương. Trong đó chú trọng xây dựng các chỉ số đánh giá về tác động môi trường, đánh giá tác động lan tỏa của các dự án FDI tới phát triển kinh tế - xã hội?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn