MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các sản phẩm chăn nuôi trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh trước thịt giá rẻ nhập ngoại. Ảnh: Vũ Long

Chăn nuôi trong nước điêu đứng vì thịt ngoại ồ ạt tràn vào Việt Nam

Vũ Long LDO | 23/05/2023 06:32

Tình trạng nhập khẩu ồ ạt thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam đã khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp nguy hiểm. Liệu các loại thịt nhập ngoại này có an toàn?

Thịt ngoại giá rẻ đang được bán tràn ngập thị trường có an toàn?

Trả lời câu hỏi của PV về việc tại sao ngành thú y để thịt ngoại được "thả nổi" cho nhập khẩu vào Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại nuôi trong nước, tại sao không hạn chế việc nhập khẩu này, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), cho hay: Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì phải tuân thủ quy định thương mại quốc tế, không thể ngăn cấm nhập sản phẩm này, hạn chế nhập sản phẩm kia nếu các mặt hàng đó không vi phạm quy định của nước ta và quy định quốc tế.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm tra, kiểm dịch vẫn được thực hiện. Các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện theo quy trình 5 bước để đánh giá, đàm phán; mỗi sản phẩm phải mất tối thiểu từ 4-5 năm mới được xem xét nhập khẩu vào Việt Nam và tuân thủ quy trình rất chặt chẽ. Trước khi cho phép nhập khẩu sản phẩm, Cục Thú y phải thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh, đồng thời giám sát cả quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu lúc đó mới cho phép nhập về.

Nhiều người chăn nuôi trong nước đã bỏ nghề vì thua lỗ do phải cạnh tranh với giá thịt nhập khẩu. Ảnh: Vũ Long

Trả lời câu hỏi các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là các phụ phẩm (nội tạng, đuôi, chân, da...) nhập khẩu vào Việt Nam được bán với giá “bèo” tràn lan trên các trang mạng xã hội và các siêu thị liệu có an toàn, có đảm bảo chất lượng, có chứa tồn dư chất cấm không, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định: "Hiện nay, tỉ lệ kiểm tra lô hàng nhập khẩu là 5%. Trong 2 năm qua, cơ quan thú y chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo”.

Đối với thịt gà giá rẻ (gà thải loại) nhập khẩu vào Việt Nam, bà Thủy cũng cho rằng, sản phẩm gia cầm ở Việt Nam, cụ thể là gà đẻ trứng sau một thời gian khai thác vẫn được đưa vào sử dụng làm thực phẩm cho người dân tiêu dùng. Vì vậy, khi đàm phán, chúng ta cũng không thể nói loại gà thải loại này không được nhập khẩu về Việt Nam.

Ngành chăn nuôi lao đao vì “thịt ngoại”

Trao đổi với PV Lao Động, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), nhấn mạnh: Độ mở cửa của thị trường chăn nuôi rất lớn trong khi thiếu hụt các hàng rào kỹ thuật để điều tiết nhập khẩu là một trong những nguyên nhân khiến khó khăn của ngành chăn nuôi thêm chồng chất.

Với việc tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ (trong đó có 2 hiệp định thế hệ mới như CPTTP và EVFTA), nhiều quốc gia có thế mạnh chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Australia,... đã tăng xuất khẩu vào Việt Nam. Mặc dù tỉ lệ nhập khẩu năm 2022 và đầu năm 2023 không quá lớn nhưng cộng dồn tổng số lượng nhập khẩu càng làm giá bán sản phẩm lợn và gia cầm trong nước giảm mạnh.

Điều này đã khiến sinh kế người chăn nuôi bị ảnh hưởng: Chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất tăng vọt trong khi giá bán sản phẩm của người chăn nuôi ở mức thấp kéo dài dẫn đến người chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ quy mô nông hộ mà cả trang trại (do thiếu liên kết, không khép kín chuỗi phụ thuộc cả đầu vào và đầu ra) bị thua lỗ. Trong khi việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn chậm, người nông dân nhỏ lẻ mất dần sinh kế.

"Cùng với đó, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm diễn biến khá phức tạp gây biến động tổng đàn, thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Các chủ trang trại rơi vào cảnh nợ chồng nợ có nguy cơ phá sản, rất khó có khả năng phục hồi sản xuất" - ông Thắng thông tin.

“Thái Lan là một thị trường được bảo vệ cao, chính phủ chỉ cho phép nhập khẩu một số loại thịt gia cầm. Chính phủ Thái Lan thực tế cấm các sản phẩm thịt gà của Mỹ thông qua các biện pháp kiểm soát giấy phép nhập khẩu. Ngoài ra, thuế nhập khẩu cao (30% đối với thịt chưa nấu chín hoặc ướp lạnh và 40% đối với thịt gà nấu chín) và phí giấy phép nhập khẩu phân biệt đối xử đối với các sản phẩm chưa nấu chín (7 baht/kg hoặc khoảng 189 USD/tấn) đã giúp bảo vệ thị trường nội địa khỏi hàng nhập khẩu”

(Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT)


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn