MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: Vũ Long

Chặn tình trạng hàng nghìn doanh nghiệp bị “bật” khỏi thị trường

Vũ Long LDO | 01/06/2021 16:41

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động trong 5 tháng qua tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, cần giải pháp hỗ trợ.

COVID-19 đẩy số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 23%

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có 12 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Lũy kế 5 tháng đầu, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Là một trong hàng nghìn doanh nhân phải ngậm ngùi đóng cửa công ty trong năm nay – ông Vũ Tuấn Anh (Mỹ Đình, Hà Nội), cho biết: Doanh nghiệp ông kinh doanh về mặt hàng giấy in nhiệt. Dịch bệnh COVID-19 đã quét đến đồng vốn cuối cùng của doanh nghiệp.

“Sau một năm cố gắng chống chọi, hoạt động cầm chừng, cố gắng duy trì doanh nghiệp và trả lương cho lao động, tôi đã phải đóng cửa vì hàng loạt nhà hàng, quán càphê, cửa hàng… những đối tượng sử dụng giấy in nhiệt của tôi hoạt động cầm chừng, gián đoạn” – ông Vũ Tuấn Anh nói.

Từng có trong tay 3 trung tâm luyện thi đại học có tiếng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhưng bước sang năm thứ 2 dịch COVID-19, bà Nguyễn Chi Lam (phố Phạm Thận Duật – Cầu Giấy – Hà Nội) cũng đã phải đóng cửa cả 3 địa điểm.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh COVID-19 đã có sức công phá lớn đối với khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, thời gian hoạt động dưới 3 năm, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ...

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) - cho hay, tác động của dịch bệnh COVID-19 với doanh nghiệp ở một số ngành rất lớn. Lĩnh vực chịu ảnh hướng lớn nhất là: May mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%)…

Có 87,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc 'hoàn toàn tiêu cực". Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ "không bị ảnh hưởng gì" và gần 2% ghi nhận tác động "hoàn toàn tích cực" hoặc "phần lớn tích cực".

Doanh nghiệp cần kịp thời chuyển đổi, tái cấu trúc

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, dịch bệnh COVID-19 đã gây cho doanh nghiệp khó khăn chung là mất cân đối dòng tiền, do đó, hơn bao giờ hết, nguồn vốn kịp thời sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất thực hiện “mục tiêu kép”.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI - cho biết thêm: Bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch COVID-19 thì gần 10% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh. Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nhấn mạnh: Một mặt phải tích cực, chủ động phòng tránh sự lây lan của đại dịch để yên tâm sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải tự đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, linh hoạt đa dạng hoá sản xuất kinh doanh để đạt kết quả.

“Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mở rộng tiêu thụ, nắm vững thị trường trong nước và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu; tận dụng các Hiệp định thương mại tự do để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu.

Đồng thời, Nhà nước thực hiện giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021; thực hiện miễn giảm các chi phí sản suất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, các thương vụ đại sứ quán cần tích cực giúp các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, đầu vào và đầu ra, đảm bảo đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh hiến kế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.4.2020; Chính phủ đã gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn