MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ một kỹ sư cầu đường, anh Thuật gác bằng cử nhân để trở thành chủ một cơ sở sản xuất bún khô lớn nhất địa phương.

Chàng trai bỏ bằng kỹ sư về quê làm bún khô thu tiền tỉ mỗi năm

Phong Quang LDO | 06/12/2021 16:40
Tuyên Quang - Lang bạt trên những công trình thuỷ điện khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nhiều năm, anh Thuật quyết bỏ lại tấm bằng kỹ sư cầu đường để đi học nghề làm bún khô và đó cũng là bước ngoặt trong cuộc đời anh.

Cả tấn bún khô mỗi ngày

Mặc dù là chủ của một cơ sở sản xuất bún khô lớn nhất nhì địa phương nhưng anh Nguyễn Văn Thuật (xã Kim Phú, TP Tuyên Quang) vẫn trực tiếp làm cùng công nhân. Anh bảo: "Cái tay làm nó quen rồi, với lại có trực tiếp làm, mình mới biết được chất lượng bún thế nào, từ đó có điều chỉnh phù hợp".

Vừa thoăn thoắt vận hành chiếc máy ép bột, anh Thuật cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở của gia đình sản xuất gần 1 tấn bún, phở khô đủ các loại kích cỡ khác nhau. Bún làm ra đến đâu xuất đi đến đó, thị trường không chỉ ở trong tỉnh mà gần như toàn miền Bắc.

Để làm ra được sợi bún khô tốn nhiều thời gian. Để có được một mẻ bún hoàn chỉnh phải mất tới 3 ngày. Đầu tiên là ngâm gạo, sau đó say bột, ép thành sợi rồi đến phơi sấy. Mặc dù có máy móc hỗ trợ nhưng đều phải có bàn tay người thợ thì bún mới ngon được.

Anh Thuật bên lò sấy bún khô tự động bằng điện tự tay mình chế tạo. 

Theo anh Thuật, để chất lượng bún thành phẩm đạt yêu cầu mà không phải dùng tới phụ gia hay chất bảo quản thì gạo là yếu tố quyết định. Lâu nay, gia đình anh chỉ sử dụng gạo Khang Dân và Bao Thai để làm bởi cho ra bún trắng thơm và dẻo dai.

Với quy mô sản xuất như hiện nay, lượng gạo của trong ngoài xã không đủ cho cơ sở hoạt động liên tục, nguồn chính vẫn phải lấy từ nơi khác về. Cứ khoảng 2 tháng, anh Thuật lại nhập hơn 40 tấn gạo từ miền Nam về, cả khu nhà xưởng như một công trường rộn ràng khi nhìn đâu cũng thấy gạo, thấy bún.

Dẫn PV thăm 2 "máy sấy tự động" do mình chế tạo, anh Thuật hồ hởi: "Nói là máy sấy tự động chứ thực ra là lò sấy bằng điện thôi, xuất phát từ yêu cầu công việc nên tôi tự mày mò làm ra để sấy bún những ngày không có nắng".

Từ ngày có lò sấy điện, công việc cũng nhàn hơn, việc phơi bún không còn phụ thuộc vào thời tiết nữa. Nhiệt độ của lò sấy lên tới hơn 60 độ C nên mỗi mẻ bún chỉ cũng tốn từ 7-8 tiếng là khô kiệt.

Cơ duyên với nghề

Nghỉ tay sau một mẻ bún, vừa nhấm nháp chén trà nóng anh Thuật vừa tâm sự, mình sinh năm 1978, vốn quê gốc Bắc Giang, tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải năm 2001 với tấm bằng kỹ sư cầu đường, rồi về miền núi Na Hang làm thuỷ điện Tuyên Quang.

Khi công trình hoàn thành cũng là lúc anh nên duyên với người vợ trẻ kém 8 tuổi nơi miền sơn nước. Nhà chị Bế Thị Yến (vợ anh Thuật) nằm trong lòng hồ Na Hang nên thuộc diện di dời. Cả gia đình bồng bế nhau về xã Kim Phú này nhưng anh Thuật vẫn tiếp tục lang bạt khắp các công trình thuỷ điện.

Ngoài bún khô truyền thống, cơ sở của anh Thuật đang thử nghiệm một số loại bún có màu sắc được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên.

Năm 2015, trong lần về thăm nhà người bạn có nghề làm bún khô ở Hà Nội, như cơ duyên đã là định mệnh, anh Thuật thấy có niềm cảm hứng đặc biệt với nghề này. Thế là anh quyết tâm tìm hiểu, càng đi sâu càng thấy hay.

Nhiều đêm suy nghĩ, năm 2016, anh quyết gác bỏ tấm bằng cử nhân để về nhà cùng vợ làm bún khô.

Anh Thuật nhớ lại: "Đó là một quyết định khó khăn, nhưng mình nghĩ đi mãi cũng mỏi, tiền kiếm được chẳng để được là bao mà lại xa gia đình. Về làm nghề này, vợ chồng có nhau, lấy công làm lãi".

Vừa làm vừa học, thất bại nhiều nhưng không nản. Chỉ sau một thời gian ngắn làm nhỏ lẻ mang tính thử nghiệm, vợ chồng anh Thuật đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên hơn 500m2 với 7 lao động thường xuyên.  

Cơ duyên với nghề cũng gần 7 năm, cái được cũng nhiều nhưng anh Thuật vẫn trăn trở: "Mỗi năm doanh thu hơn 3,6 tỉ đồng nhưng chi phí đầu vào chiếm tới 2/3, rồi còn nhân công, điện nước... lãi không cao đâu nhưng được cái nghề cả nhà cùng làm rồi tạo thêm công việc cho bà con".

Vẫn khó khăn về vốn

Trong câu chuyện với PV, anh Thuật cho biết: "Hiện thành phố đã có hướng bố trí quỹ đất để cơ sở mở rộng sản xuất. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là khó tiếp cận được với nguồn vốn bởi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Trong khi những hợp tác xã như anh thì gần như không có tài sản đảm bảo".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn