MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chanh trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao ở Bến Lức (Long An) - ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: An Long

Chanh công nghệ cao giúp đổi đời nông dân vùng mía

AN LONG LDO | 17/12/2021 15:10
Sau nhiều năm bén rễ, phát triển nhưng rồi vùng chuyên canh trồng mía ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã bị xóa sổ nhanh chóng vì kém hiệu quả. Vùng đất mía ngày nào giờ đây mọc lên những cánh đồng chanh bạt ngàn. Để nâng cao giá trị, thương hiệu và phục vụ xuất khẩu, địa phương đang nỗ lực ứng dụng công nghệ cao vào cây chanh.

Cuộc chuyển dịch chóng vánh

Vào khoảng năm 2014 - 2015, ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An) vẫn còn được xem là “thủ phủ” của cây mía với khoảng gần 8.000 đến 9.000ha. Tuy nhiên, do giá thấp, lại gặp khó khăn về đầu ra nên diện tích mía liên tục giảm sâu qua từng năm. Cứ thế, đến niên vụ 2020 - 2021 này toàn tỉnh Long An chỉ còn lại hơn 60ha trồng mía. “Coi như vùng trồng mía ở Bến Lức đã bị “xóa sổ” và không còn có trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Đa số diện tích trồng mía trước đây, nông dân chủ yếu chuyển đổi sang trồng chanh”, ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết.

Theo ngành Nông nghiệp Long An, nguyên nhân dẫn đến việc cây mía bị “xóa sổ” nhường chỗ cho cây chanh một cách chóng vánh thì rất nhiều. Trong đó, phải kể đến một số lý do chính là lợi nhuận thấp, thậm chí bị lỗ kéo dài. Nhà máy đường đóng tại địa phương hoạt động cầm chừng, thu mua nguyên liệu mía “èo uột”, đã vậy còn thiếu nợ nông dân, nợ tiền lương công nhân... Cũng chính vì vậy, vài năm trước, nhà máy đường tại Bến Lức cũng đóng cửa. 

Theo thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Bến Lức, chỉ trong một thời gian chưa lâu sau khi bỏ mía thì diện tích trồng chanh tăng rất nhanh. Đến nay, toàn huyện có hơn 7.100ha trồng chanh, trong đó chanh không hạt chiếm khoảng 6.600ha. Diện tích trồng chanh tập trung ở các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Bình. 

Những năm qua, trồng chanh mang lại lợi nhuận cao và khá ổn định cho nông dân. Giá cả tùy từng năm và chất lượng, năng suất cũng còn dựa trên độ tuổi của cây chanh nhưng bình quân mỗi năm, 1ha chanh cho lợi nhuận gần 100 đến 150 triệu đồng.

“Nhờ trồng chanh mà ở những vùng đất heo hút của huyện như Thạnh Hòa, Thạnh Lợi đã có những người “đổi đời” trở thành “đại gia”, xây nhà lớn” - ông Nguyễn Văn Trung, một hộ trồng chanh ở xã Thạnh Hòa, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hải, ngụ xã Thạnh Lợi, có 2ha trồng chanh kể: Để nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xuất khẩu, nông dân nơi đây áp dụng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh. Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, huyện có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ cao được sản xuất theo hướng GAP. Sản phẩm thu hoạch đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Tìm hướng gia tăng giá trị

Phòng NNPTNT huyện Bến Lức cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh là hướng đi đang được tỉnh Long An nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thị trường thu mua chanh sản xuất theo mô hình này mở rộng hằng năm chưa nhiều; hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào vùng chanh để hợp đồng bao tiêu, chế biến.

Theo đó, phần lớn là bán trái tươi, giá trị gia tăng chưa cao. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đa phần hoạt động chưa đạt hiệu quả, chưa đồng đều do thiếu định hướng, thiếu vốn và năng lực bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Lê Văn Nam - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bến Lức - cho hay: “Thời gian qua, nhà nước hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ nhiều nguồn như giống chanh, hệ thống tưới tiết kiệm nhưng chủ yếu đang dừng lại một số mô hình. Việc xuất khẩu sang thị trường Châu Âu cũng chưa nhiều, nếu thuận lợi mới đạt khoảng 200ha”. 

Theo ông Nam, để vùng sản xuất chanh ở huyện mang lại giá trị cao hơn, Long An sẽ triển khai chính sách hỗ trợ về cấp mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng chanh phục vụ sản xuất nông nghiệp chương trình ứng dụng công nghệ cao. Song song đó, huyện kiến nghị tỉnh xem xét có kế hoạch, giải pháp lớn để hỗ trợ nông dân ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu, không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Huyện cũng kiến nghị quan tâm đầu tư thi công đối với các công trình thủy lợi, cấp nước. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến chanh sau thu hoạch, làm gia tăng giá trị cao hơn cho nông dân.

Trong năm 2021, Long An cũng bổ sung cây chanh vào danh mục các loại cây trồng ứng dụng công nghệ cao (trước đó chỉ có rau, thanh long, lúa) của tỉnh để có những chính sách phát triển, hỗ trợ. Ông Lê Văn Nam cho biết, huyện đang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1.500ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số diện tích trồng chanh theo mô hình này ở huyện lên 2.700ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn