MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình khóm - cau - dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và không lo hạn mặn. Ảnh: Nguyên Anh

Chấp cả hạn mặn, mô hình 3 tầng giúp nông dân Kiên Giang thu lợi nhuận cao

NGUYÊN ANH LDO | 24/03/2024 07:43

Mô hình “sinh thái 3 tầng” khóm - cau - dừa của người dân ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) vừa nhẹ công chăm sóc lại có thu nhập cao, đặc biệt không còn nỗi lo thiếu nước tưới vào mùa hạn mặn.

Thu lợi 3 loại cây trên 1 diện tích

Huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) được ưu ái gọi tên là “vương quốc” khóm - cau - dừa vì có hàng trăm hộ dân làm mô hình sinh thái 3 tầng này. Ông Dư Văn Thái (77 tuổi, ngụ ấp An Lạc, xã Bình An) cho biết, đất ở đây đặc biệt thích hợp cho khóm nên trái ngọt, chất lượng hơn các nơi khác. Trên 2ha đang canh tác, bình quân mỗi năm, ông thu được khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí sẽ lãi hơn phân nửa, cũng có năm được giá thì lãi sẽ cao hơn.

Với kinh nhiệm trồng khóm gần 20 năm nay, ông Thái cho biết: “Thời điểm này những năm trước chỉ trông vào nước mưa. Có mưa mới canh tác được, nếu không sẽ bị mặn. Hiện giờ có các cống điều tiết nước nên đảm bảo độ mặn phù hợp để lấy nước tưới phục vụ cho trồng trọt. Ngoài ra, nhờ lắp hệ thống tưới tiết kiệm tự động, vừa rất thuận lợi mà sản phẩm phát triển đồng đều hơn”.

Ông Thái hiện trồng xen canh 2ha khóm - cau - dừa. Ảnh: Nguyên Anh

Theo ông Thái, trong mô hình 3 tầng, hiện nay khóm là cây chủ lực vì đang có giá cao, còn trước đây khoảng 2 năm thì cau có giá hơn.

"Mình xen canh vừa tiết kiệm diện tích, vừa tránh được tình trạng tập trung vào 1 loại cây trồng, hoặc được mùa mất giá... Hiệu quả canh tác bây giờ vượt trội hơn xưa, điều kiện tưới tiêu, sản lượng, giá... đều cao hơn. Sắp tới, tôi định sẽ nghiên cứu thử nuôi tôm, cá thêm dưới mương để tăng thêm lợi nhuận", ông Thái chia sẻ thêm.

Còn ông Vưu Quốc Cường (48 tuổi, ngụ ấp An Lạc, xã Bình An) cho hay, 7 năm trước, ông trồng 3ha lúa nhưng hiệu quả không cao. Sau thời gian học hỏi và thấy mô hình xen canh chăm sóc dễ hơn nên ông Cường đã quyết định chuyển đổi. “Đất ở đây có phèn mặn nên trồng lúa không đạt. Trồng khóm - cau - dừa có hiệu quả kinh tế vượt trội hơn, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỉ đồng, trừ chi phí mình vẫn lãi hơn phân nửa”, ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cũng cho biết, năm 2024, hạn kéo dài nhưng nhờ có cống điều tiết nước nên lượng mặn không đáng kể, có đê bao khép kín nên bà con giữ nước tưới tiêu, kèm theo đó là bơm tự động cũng đỡ hơn. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chủ động nếu mùa mưa có máy bơm ra, còn mùa khô bơm nước ngọt vào.

Thay đổi tư duy sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã giúp cho người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đối với công tác thủy lợi đã chuyển từ chống đỡ sang chủ động kiểm soát.

Từ khi có cống Cái Lớn - Cái Bé kiểm soát nguồn nước, các hộ dân nơi đây không còn nỗi lo nước mặn làm chết cây. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí rất nhiều mà hiệu quả lại rất cao.

Hệ thống tưới tiết kiệm tự động cộng thêm nguồn nước ngọt đảm bảo giúp nông dân an tâm trồng trọt. Ảnh: Nguyên Anh

Việc đưa vào vận hành hệ thống đã góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước cho sản xuất, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mặt khác kiểm soát mặn xâm nhập và phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Kiên Giang được chọn là vùng sản xuất trọng điểm hai loại trái cây chủ lực là chuối và khóm. Các mô hình sinh kế phù hợp giúp giảm nhiều chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế so với canh tác truyền thống. Sản xuất sản phẩm theo hướng nông nghiệp sạch đạt các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn