MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nền tảng quan trọng nhất của đổi mới sáng tạo. Ảnh: Vũ Long

Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang là rào cản đổi mới sáng tạo

Vũ Long LDO | 01/10/2021 10:54

Nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cần đầu tư, nâng cao chất lượng để đáp ứng với yêu cầu của cách mạng 4.0.

Sáng 1.10, phát biểu tại chương trình công bố hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho biết: Theo Báo cáo về xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, nền kinh tế.

"Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong top 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn" - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá, đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

"Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hậu COVID-19" - Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu ý kiến.

Giám đốc USAID Việt Nam, bà Ann Marie Yastishock cho biết, USAID WISE sẽ hỗ trợ các mô hình có thể mở rộng, theo định hướng thị trường và bền vững nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thông qua các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, cụ thể là các chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cơ bản, cung cấp thông tin lộ trình nghề nghiệp, định hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư... để quyết định đầu tư phát triển tài năng, cung cấp công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao, đào tạo lại nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0. 

“Hoạt động USAID WISE thể hiện cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Chính phủ Việt Nam, trong đó tập trung vào việc làm chủ và tích hợp các công nghệ tiên tiến mới, tăng cường đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số” - bà Ann Marie Yastishock khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn