MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Long

Chật vật chi tiêu, lợi nhuận bị "bào mòn" vì giá xăng dầu tăng liên tiếp

Anh Tuấn LDO | 17/09/2023 17:09

Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây đang tạo áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Do đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết.

Chật vật vì giá xăng dầu tăng

Giá xăng, dầu đã tăng liên tiếp trong 6 kỳ điều chỉnh gần đây và trong kỳ điều chỉnh mới nhất (ngày 11.9), giá xăng không thay đổi nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng thêm 370 – 410 đồng/lít.

Theo dự báo của một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội, trong kỳ điều chỉnh tới đây (ngày 21.9), nếu cơ quan điều hành không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (giống như các phiên điều chỉnh gần đây), giá xăng RON 95-III có thể tăng từ 900 - 1.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tạo thêm gánh nặng đối với người dân. Chị Nguyễn Thị Loan (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, dù hiện nay không phải mức giá cao đỉnh điểm, tuy nhiên, giá xăng tăng liên tiếp đã đẩy chi phí sinh hoạt của gia đình tăng theo.

"Hai vợ chồng tôi sử dụng hai xe máy, tổng quãng đường di chuyển mỗi ngày trên dưới 50 km nên tiền xăng xe cũng "ngốn" chi phí khá lớn trong tổng chi phí sinh hoạt của gia đình. Chúng tôi lo ngại giá xăng dầu tăng còn dễ khiến giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo thì người tiêu dùng lại càng chật vật", chị Loan nói.

Chạy được 2 chuyến giao đồ ăn, anh Nguyễn Ngọc Vinh (quê Phú Thọ) - shipper của một ứng dụng giao đồ ăn - tấp xe vào một quán bún chả trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đợi đơn hàng kế tiếp. Vinh cho biết, 2 tháng qua, giá xăng tăng liên tiếp nhưng phí giao hàng vẫn giữ mức cũ khiến thu nhập của người giao hàng giảm sút đáng kể.

Giá xăng, dầu tăng liên tiếp trong nhiều kỳ điều chỉnh gần đây khiến lợi nhuận của tài xế Nguyễn Ngọc Vinh bị “bào mòn“. Ảnh: Anh Tuấn

“Với anh em shipper, chúng tôi mong muốn làm sao để giá xăng duy trì ở mức vừa phải hoặc cơ quan chức năng có giải pháp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu để người lao động như bớt khó khăn.

Một ngày giao hàng, shipper như tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng tiền lời nhưng giá xăng “ngốn” tới 50.000 đồng thì không được bao nhiêu. Trong khi những chi phí sinh hoạt như điện, nước, tiền nhà trọ cũng tăng cao khiến việc cân bằng chi tiêu trong gia đình phải tính toán lại”, anh Vinh nói.

Giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết, rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.

Việc giá nhiên liệu tiếp tục đi lên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số CPI tăng. Do đó, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết.

"Tỉ giá hiện tại được neo cao, nhưng vẫn ổn định trong biên độ dưới 3% từ đầu năm. Điều này cho thấy chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả vừa nhằm hỗ trợ xuất khẩu và vừa kiểm soát lạm phát.

Việc giữ tỉ giá ổn định cũng sẽ giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế và giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu và ổn định thị trường lao động trong thời gian tới", ông Phạm Quang Anh đánh giá.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, dù giá xăng chưa tăng tương tự thời kỳ cao nhất của năm 2022 nhưng vẫn phải theo dõi sát biến số này.

"Giá xăng tăng cao, chi phí đẩy sẽ gây ra lạm phát do năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài", ông Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn