MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Châu Âu phải thu hẹp khoảng cách lãi suất với FED

Quý An (theo Wall Street Journal) LDO | 23/11/2022 08:35

Châu Âu cần tăng lãi suất là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023.

Mới đây, OECD đưa ra nhận định: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất cơ bản hơn.

Trước đó, tỉ lệ lạm phát ở châu Âu đã tăng do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Theo một số nghiên cứu, giá thực phẩm, năng lượng tăng cao đã gần chạm đỉnh. Lạm phát cũng khó có khả năng giảm trở lại tỉ lệ 2% mà nhiều nước mong muốn.

Alvaro Pereira - Quyền Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD cho biết: “Tiền lương thực tế đang giảm ở nhiều quốc gia, làm giảm sức mua. Nếu lạm phát không được kiềm chế, những vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, chống lạm phát phải là ưu tiên chính sách hàng đầu của chúng tôi ngay bây giờ. Lạm phát sẽ vẫn ở mức cao và ECB sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn”.

OECD dự báo, ECB sẽ tăng lãi suất chính từ 1,5% lên đến 4% hoặc 4,25% vào giữa năm 2023. Đây được cho là mức lãi suất cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà đầu tư. Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, ngân hàng BNP Paribas bày tỏ hi vọng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ đạt đỉnh ở mức 3%.

ECB đã chậm hơn trong việc tăng lãi suất so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), với tỉ lệ nằm trong khoảng từ 3,75% đến 4%. Do giá năng lượng cao hơn, lạm phát ở khu vực đồng Euro đã vượt qua mức lạm phát ở Mỹ và đồng tiền chung của khối châu Âu đã mất vị thế so với đồng USD.

ECB được nhận định sẽ phải tăng lãi suất như FED từng làm để chống lạm phát.

Theo nhóm nghiên cứu kinh tế, họ hi vọng tỉ lệ lạm phát của khu vực đồng Euro sẽ ở mức trung bình 6,8% vào năm 2023, tăng từ mức 6,2% được dự đoán vào tháng 9.

Nhóm này cũng dự kiến ​​lạm phát ở Mỹ sẽ đạt mức trung bình 3,5% vào năm 2023, ít thay đổi so với dự báo trước đó và cho biết FED nên tăng lãi suất lên 5,25% để phù hợp với kì vọng của giới đầu tư.

Ông Pereira cho biết châu Âu sẽ cần lãi suất cao hơn để hỗ trợ tỉ giá hối đoái của đồng Euro so với đồng USD, bên cạnh đó còn để ngăn chặn sự gia tăng từ giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu do mệnh giá thấp.

Lãi suất chủ chốt của ECB lần cuối đạt mức 4,25% vào đầu tháng 10 năm 2008, còn FED là 5,25% vào năm 2006.

OECD ước tính trong quý 3 vừa qua, tiền lương thực tế thấp hơn 2% so với một năm trước đó ở Mỹ, Anh và Ý, 4% ở Đức. Nguyên nhân do mức tăng tiền lương không bắt kịp mức tăng giá cả.

Mặc dù đưa ra dự báo về việc các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ có đợt tăng lãi suất đáng kể, OECD cho biết khoản tiết kiệm rất lớn mà các hộ gia đình tích lũy được trong thời kỳ đại dịch sẽ đảm bảo nền kinh tế toàn cầu không bị ảnh hưởng. Tháng 9.2022, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra dự kiến ​​sản lượng toàn cầu sẽ tăng 2,2% vào năm 2023, đến năm 2024 là 2,7%.

OECD đưa ra kì vọng nền kinh tế của Đức và Anh sẽ thu hẹp lại trong năm tới, trong khi dự báo tăng trưởng ở Mỹ là 0,5%. Với Trung Quốc, nước này sẽ tăng tốc sau một năm 2022 yếu kém, mặc dù còn phụ thuộc chính sách chống dịch COVID-19 của chính phủ đất nước tỉ dân. “Nếu tiếp tục thi hành các đợt giãn cách nghiêm ngặt, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn” - ông Pereira nhận định.

OECD cũng cho biết triển vọng kinh tế của châu Âu trong năm tới là rất khó đoán. Với khí hậu ôn hòa trong tháng 10 và mức dự trữ khí đốt cao, châu Âu có thể sẽ tránh được việc phân bổ năng lượng, song lục địa già lại phải đối mặt với nguồn cung khí đốt bị mất do Nga cấm vận.

Ông Pereira nói: “Chúng tôi lo ngại về mùa đông năm 2023-2024 so với mùa đông năm nay. Viễn cảnh khủng hoảng năng lượng vẫn hiện hữu".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn