MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh toán trực tuyến tăng trưởng mạnh. Ảnh: N.H

Chạy đua thanh toán số

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 25/10/2022 06:20

Thị trường thanh toán trực tuyến nổi lên cuộc đua "tam mã" giữa ví điện tử, Mobile Money và ngân hàng số. Bên cạnh những kết quả tăng trưởng ấn tượng, vẫn còn những khó khăn mà các dịch vụ phải đối mặt trên chặng đường chiếm lĩnh thị phần.

Loạt dịch vụ nhập cuộc thanh toán 

Theo dữ liệu từ Statista, tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực thanh toán điện tử trong nước được dự đoán chạm mốc trên 20 tỉ USD vào năm nay. Trong vòng 4 năm tới, con số này được dự báo sẽ đạt ngưỡng trên 36 tỉ USD, cùng với tốc độ tăng trưởng thường niên dự kiến là khoảng 16%. 

Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC)...

Những con số nêu ra để thấy thị trường thanh toán trực tuyến đang hết sức sôi động. Ở vào thời điểm hiện tại, thị trường này đang nổi lên cuộc đua "tam mã" giữa ví điện tử, Mobile Money và ngân hàng số.  

Chỉ tính riêng với ví điện tử, trên thị trường hiện nay đã tồn tại trên 40 trung gian thanh toán được cấp phép và khoảng trên 120 công ty fintech. Những cái tên hàng đầu có thể kể tới như MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay, Shopee Pay, Moca...

Với Mobile Money, thông tin từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, đến tháng 8.2022, có khoảng 2,2 triệu tài khoản người dùng dịch vụ này. Trong đó, có khoảng 68% người dùng là ở khu vực nông thôn. Điều này cho thấy đang đi đúng mục tiêu và định hướng của Đề án thí điểm triển khai Mobile Money cho thanh toán hàng hóa nhỏ, đáp ứng nhu cầu thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Đồng thời, với Mobile Money, hiện có khoảng hơn 14.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, hơn 50% điểm kinh doanh nằm ở khu vực nông thôn.

Đáng chú ý, mới đây, việc chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng đã được liên thông. Điều này tạo sự thuận lợi lớn cho khách hàng và được kỳ vọng là cú hích thúc đẩy Mobile Money thời gian tới. 

Ngoài ra, thanh toán số cũng chứng kiến sự nhập cuộc của hàng loạt tổ chức tín dụng với các nền tảng ứng dụng thông minh. Từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng đồng loạt triển khai miễn phí dịch vụ giao dịch trên các kênh số.

Theo giới quan sát, chiến lược “zero fee” của các ngân hàng nhằm mục đích thu hút khách hàng sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác, đẩy mạnh nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn. 

Trải nghiệm người dùng sẽ quyết định

Bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng, vẫn đang tồn tại nhiều gian nan đối với từng loại hình thanh toán trực tuyến.

Đối với ví điện tử, từng có nhiều nghi ngại đặt ra cho một thị trường có thể đã quá chật chội khi tồn tại quá nhiều ví điện tử.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam (VDI), số lượng ví nhiều có thể vượt quá nhu cầu của người dân, vì không ít người dùng vì khuyến mại nên mới dùng ví mới (tải app mới) nhưng dùng thường xuyên thì cũng chỉ cần một. 

Ông Thắng cho rằng, trong giai đoạn đầu, nhiều đơn vị tham gia là tốt nhưng quá trình thực hiện sẽ có những đơn vị ví điện tử, cổng thanh toán tự động bị triệt tiêu vì khi người dùng sẽ chọn lựa ví nào thuận tiện nhất, trải nghiệm tốt nhất.

Trong khi đó, Báo cáo Ngân hàng số Việt Nam 2021 chỉ ra những lo ngại nhất định trong trải nghiệm của khách hàng với dịch vụ này. Điển hình là việc bảo mật thông tin. 

Cụ thể, chỉ có 38.2% khách hàng được hỏi sẵn lòng chia sẻ dữ liệu cá nhân với ngân hàng nhưng với điều kiện ngân hàng phải giảm chi phí dịch vụ và sản phẩm. Hơn 60% khách hàng không sẵn lòng chia sẻ dữ liệu cá nhân với ngân hàng vì lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cho bên thứ ba.

Còn với Mobile Money, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá rằng, với hơn 2,2 triệu người dùng Mobile Money đến thời điểm hiện nay là con số đáng ghi nhận, nhưng so với số lượng thuê bao điện thoại thì còn rất nhỏ bé, từ đây phải có giải pháp để thúc đẩy phát triển hơn.

Liên quan đến vấn đề này, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội xem xét. Nội dung dự thảo được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số, chủ động chuyển đổi số; khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử như giao dịch trong môi trường thực; khuyến khích giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn