MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động thao túng giá vẫn "loạn" vì chế tài không đủ sức răn đe (ảnh minh họa).

Chế tài yếu, hoạt động thao túng giá cổ phiếu vẫn “loạn”

Gia Miêu LDO | 02/10/2018 07:30

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tiếp tục phạt một nhà đầu tư với số tiền hơn nửa tỷ đồng vì thực hiện thao túng giá cổ phiếu qua hàng chục tài khoản. Điều đáng nói là hình như các mức phạt không hề làm “nản lòng” nhà đầu tư trong cuộc chơi này.

Liên tiếp xử phạt

Với 32 tài khoản được mở, ông Hoàng Minh Tú, nhà đầu tư tại quận Long Biên - Hà Nội đã liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Cty cổ phần Xây dựng và Thương mại Long Thành (nay là Cty cổ phần Đầu tư HP Việt Nam, mã chứng khoán KDM). Với hành vi này, UBCKNN đã phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng với ông Tú. Trước đó vào đầu tháng 9, UBCKNN cũng đã phạt ông Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 2 tài khoản của mình và 36 tài khoản đứng tên người khác mở tại 8 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Cty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long (nay là Cty cổ phần Halcom Việt Nam, mã chứng khoán: HID).

Giữa tháng 8, UBCKNN đã xử phạt ông Nguyễn Quang Vịnh (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo nhằm thao túng cổ phiếu của Cty Cổ phần Vinaconex 21 (mã chứng khoán V21). Trước đó, vào tháng 5/2018, nhà đầu tư Nguyễn Minh Toàn cũng bị phạt số tiền 550 triệu đồng đối với hành vi tạo giao dịch ảo từ việc sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để thao túng cổ phiếu của Cty cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Mã chứng khoán: MBG).

Có thể thấy đại đa số các vụ thao túng giá cổ phiếu đều được UBCKNN áp phạt theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3, Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi tại Khoản 1 và Khoản 36 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016. Đây cũng là mức phạt nặng nhất đối với hành vi vi phạm hành chính của các nhà đầu tư chứng khoán.

Chưa đủ sức răn đe

Tuy nhiên, dưới góc độ của các chuyên gia thì biện pháp xử phạt hành chính dù là cả trăm triệu thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi vì, có trường hợp sai phạm do thiếu hiểu biết về luật pháp nhưng số đó rất ít, còn lại phần lớn đều có chủ đích. Trước khi thực hiện hành vi làm giá, họ đều đã tính đến bài toán lợi ích thu về, kể cả trong trường hợp bị phát hiện và xử phạt, Luật sư Nguyễn Thanh Nhã - văn phòng luật DBS nhận định. Số tiền xử phạt 500-600 triệu đồng có khi chỉ bằng một nửa hay 1/3 lợi nhuận kiếm được từ việc thao túng một mã cổ phiếu nào đó. Hơn nữa, xử phạt hành chính xong là xong vô tình lại khiến khoản lợi nhuận từ hành vi vi phạm được thừa nhận. Do đó, nhiều đối tượng làm giá thậm chí còn mong được phạt.

Thứ đến là việc xử phạt của UBCKNN là quá chậm nên không tạo được tính răn đe cần thiết. Nếu thống kê lại thì hầu như những vụ làm giá cổ phiếu đều xảy ra 2 - 3 năm trước đó và đến nay UBCKNN mới công bố xử phạt. Điều này vô hình trung càng làm cho nhà đầu tư mất niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vì việc truy soát những giao dịch đáng ngờ, biến động thất thường của cổ phiếu có thể theo dõi chặt chẽ và làm ngay trong vài phiên giao dịch. Vậy tại sao UBCKNN lại phải để quá lâu mới xử phạt?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn