MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chè búp mỗi năm mang lại doanh thu trên 10.400 tỉ đồng. Ảnh: HTX Chè Tân Cương

Chè Thái Nguyên mang doanh thu trên 10.400 tỉ đồng cho địa phương

Minh Hạnh LDO | 23/05/2023 16:38
Thái Nguyên hiện có trên 22,2 nghìn hecta chè dẫn đầu cả nước, giá trị sản phẩm chè búp tươi đạt 7.800 tỉ đồng/năm, doanh thu sản phẩm sau chế biến đạt 10.400 tỉ đồng/năm. Cây chè ngày càng khẳng định được vị thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp và làm giàu cho trên 91.000 hộ dân.

Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, trong nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển cây chè và sản phẩm trà theo hướng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm, triển khai thực hiện các đề án phát triển chè bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó, diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000 tấn.

Giá bán chè móc câu có giá trung bình từ 200.000 đồng/kg - 400.000 đồng/kg, chè tôm nõn giá 600.000 - 750.000 đồng/kg. Một số vùng chè đặc sản đã sản xuất các sản phẩm chè cao cấp...  có giá trị cao từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.

Tính theo giá hiện hành, giá trị sản phẩm chè búp tươi đạt 7.800 tỉ đồng/năm; giá trị sản phẩm trà sau chế biến đạt 10.400 tỉ đồng/năm. Khẳng định cây chè có vị thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho trên 91.000 hộ dân.

Ngoài việc trồng mới, trồng thay thế số lượng chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đẩy mạnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, là tiền đề quan trọng để mở rộng thị trường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phạm Văn Sỹ, hiện Thái Nguyên có 120 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm này đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử của VỏSò, PostMart. Cũng theo ông Sỹ, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, hướng tới mục tiêu lớn hơn, đó là xây dựng trà Thái Nguyên trở thành thương hiệu quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn