MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chi phí đầu vào tăng, người trồng hoa Tết tại TPHCM vẫn không tăng giá

PHƯƠNG NGÂN - ANH TÚ LDO | 30/10/2022 13:10

TPHCM – Mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng cao, bất lợi do thời tiết nhưng nhiều nhà vườn trồng hoa Tết tại TPHCM vẫn duy trì việc trồng hoa và không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Những ngày này, các nhà vườn tại phường Thạnh Xuân, quận 12, vùng trồng và cung cấp hoa lớn của TPHCM đang tất bật vào vụ hoa Tết.

Theo ông Lê Văn Tuấn, nhà vườn tại phường Thạnh Xuân, quận 12, năm nay, thời tiết thất thường, nên nhà vườn không dám trồng nhiều hoa cho vụ Tết. Nếu như những năm trước, các nhà vườn trồng 10.000 cây hoa thì năm nay cân nhắc chỉ trồng từ 5.000 – 6.000 cây, vì lo ngại không bán được.

“Tôi và nhiều nhà vườn khác không dám trồng nhiều, nếu ai đặt nhiều thì mình trồng nhiều, còn không, mình chỉ nhắm khả năng của mình trồng phần nào thôi” – ông Tuấn nói.

Người trồng hoa phải thường xuyên xới đất để đất được xốp, hấp thụ phân tốt hơn. Ảnh: Anh Tú 

Ông Tuấn chia sẻ, ông gắn bó với nghề trồng hoa Tết cũng đã 30 năm, nên dù có khó khăn ông vẫn ráng bám trụ để giữ nghề. “Cả gia đình tôi sống nhờ vào nghề này nên dù khó khăn, trồng ít hay trồng nhiều mình vẫn phải trồng vì cái nghề không thể bỏ được” – ông Tuấn bộc bạch.

Tết Nguyên đán năm 2023, ông Tuấn dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường từ 150.000 – 170.000 cây hoa, bao gồm: Vạn thọ, Hướng dương, Mào gà, Cát tường, Thược dược, Sống đời…và nhiều loại hoa khác với giá ổn định như mọi năm.

“Giá cả cũng tùy loại, ví dụ, hoa Mào gà giá từ 35.000 – 40.000đ/chậu, hoa Vạn thảo treo từ 30.000 – 35.000đ/chậu, cúc Ruby giá từ 40.000 – 45.000đ/chậu. Giá chỉ dao động ở mức đó, không thể tăng hơn. Mặc dù, giá vật tư phân bón tăng cao nhưng mình vẫn không thể tăng giá được” – ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh các nhà vườn trồng hoa ngắn ngày, các nhà vườn trồng và cho thuê mai Tết cũng lo ngại phải bù lỗ vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao, cộng với chi phí vận chuyển và nhân công tăng.

“Chi phí vận chuyển, nhân công, phân bón cái gì cũng tăng cao nhưng mình không thể tăng giá. Năm nay xác định phải chịu lỗ tiền phân bón, vận chuyển…vì tình hình kinh tế của người dân vẫn còn khó khăn, nếu tăng giá sẽ không có ai chơi mai” - anh Ngô Minh Bảo, nhà vườn trồng mai tại TP. Thủ Đức, tâm tự.

 Dù nhiều khó khăn, nhưng nhà vườn vẫn duy trì việc trồng hoa Tết. - Ảnh: Anh Tú

Để có được những cây hoa thành phẩm khỏe mạnh, hoa nở đều và đẹp, nhà vườn phải tốn nhiều công sức trồng và chăm sóc. Ngay từ đầu tháng 9, các nhà vườn phải chuẩn bị sẵn mặt bằng, trộn sẵn đất và phân, chuẩn bị chậu…để gieo giống, chuẩn bị cho mùa hoa Tết.

“Mình gieo hạt chờ hạt nảy mầm, đến thời điểm cây có độ lớn nhất định mình sẽ cho vào bầu đất, rồi chờ ngày vào chậu. Sau đó, mình sẽ xới đất, bón phân, tưới nước… xới để đất được xốp, cứ 1 tuần xới 1 lần, tưới nước thì ngày 3 lần nhưng cũng tùy vào thời tiết, cứ như thế đến ngày ra được cây hoa thành phẩm” – bà Nguyễn Thị Dung, nhà vườn tại phường Thạnh Xuân, quận 12, chia sẻ.

Cũng như các loại hoa khác, hoa mai cũng tốn nhiều công chăm bón để đến Tết cung cấp ra thị trường. “Thời điểm này thì mai đã được uốn tạo dáng xong rồi, giờ chờ đến ngày để lặt lá. Đối với hoa mai cũng vô chừng lắm, nếu thời tiết thuận lợi sẽ cho ra hoa đẹp đúng ngày, còn nếu hoa nở sớm hoặc nở muộn thì coi như hỏng” – anh Bảo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn