MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Logistics vùng ĐBSCL đang có chi phí cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Ảnh: TL

Chi phí logistics vùng ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm

Vũ Long LDO | 26/05/2022 17:39

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế, nhưng logistics vùng chưa đáp ứng được yêu cầu và chi phí logistics của vùng đang cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.

"Nút thắt" logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với lợi thế có đủ các loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không, nhưng hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuỷ sản tự cung cấp hạ tầng logistics để phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp mình.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) - nhấn mạnh: ĐBSCL rất lợi thế khi có đủ nhưng hệ thống cho logistics khu vực này lại thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hiện nay, ĐBSCL chưa có cảng biển quy mô lớn, chủ yếu là cảng sông nhỏ, thiếu cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Hệ thống kênh rạch dày đặc nhưng đặc trưng luồng lạch khác biệt dẫn tới vận tải thủy nội địa hạn chế phương tiện, không vận dụng được tối đa tải trọng cho phép. Các sà lan cũng không thể vận tải tối đa tải trọng cho phép do hạn chế chiều cao tĩnh không của những cây cầu phục vụ giao thông đường bộ, trọng tải sà lan chỉ ở mức từ 1.500-3.500 tấn.

ĐBSCL cũng thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn... nên hạn chế rất nhiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.

Ngày 26.5.2022, phát biểu tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL”,  ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương - cũng nêu rõ: Điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Cụ thể, ĐBSCL đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm và mâu thuẫn với đóng góp về hàng hóa của vùng.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.

"Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics” - ông Trần Thanh Hải đánh giá.

5 giải pháp để khơi thông dòng chảy logistics tại ĐBSCL

Theo ông Trần Thanh Hải, để gỡ các "nút thắt" nêu trên, cần thực hiện căn cơ 5 giải pháp. Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các dự án; tạo cơ chế cho nhà đầu tư; thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2022 - 2025; điều chỉnh việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; xúc tiến đầu tư theo hợp tác công-tư. 

Hai là, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics; cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi…

Ba là, đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.

Bốn là, nâng cao hơn nữa liên kết giữa các “nhà” trong chuỗi cung ứng hàng nông sản, bao gồm ngươi sản xuất, nhà máy chế biến, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp logistics…  

Cuối cùng là cần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, áp dụng công nghệ số… để đáp ứng yêu cầu thương mại hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn