MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chi phí mặt bằng cao, người cầm cự, người chuyển hẳn sang bán hàng online

MỸ LY LDO | 29/02/2024 06:44

Xu hướng mua sắm online ngày càng được ưa chuộng nên một số cửa hàng đã kết hợp bán hàng online và trực tiếp để cải thiện doanh thu. Trong khi đó, một số khác vì không chịu nổi gánh nặng mặt bằng nên đã chuyển hẳn sang bán online.

Lợi nhuận chỉ đủ tiền mặt bằng

Anh Trần Văn Tâm - chủ cửa hàng thời trang tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) – cho biết, đối với nhà kinh doanh bán lẻ thì chi phí mặt bằng lúc nào cũng là một vấn đề đau đầu, nhất là khi tình hình buôn bán gặp nhiều khó khăn.

“Năm vừa rồi, kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bị giảm mạnh, việc tiêu thụ hàng hóa của cửa hàng cũng bị ảnh hưởng theo. Cụ thể, doanh thu năm trước giảm từ 20 - 30%. Có một vài tháng, số tiền bán quần áo thu về chỉ đủ để tôi xoay sở chi phí mặt bằng, nhân viên, điện, nước,… lợi nhuận thu về hầu như không có”, anh Tâm nói.

Buôn bán ảm đạm, có lúc doanh thu chỉ đủ để anh Kim trang trải chi phí mặt bằng, điện, nước .... Ảnh: Mỹ Ly

Tương tự, anh Nguyễn Lâm Kim – chủ cửa hàng quần áo tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - chia sẻ, tiền thuê mặt bằng ở tuyến phố này khá cao, tùy vào chiều ngang lớn nhỏ mà sẽ có giá khác nhau, trung bình đều từ 10 triệu đồng đổ lên.

“Việc kinh doanh năm vừa rồi khá khó khăn do hầu hết người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kể cả mùa Tết cũng không khả quan mấy. Hiện tại, tiền bán được mỗi tháng, trừ chi phí mặt bằng, điện, nước, tôi chỉ vừa đủ ăn uống hàng ngày chứ không có dư”, anh Kim nói.

Mở cửa hàng thời trang ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), chị Kiều Loan cũng chịu áp lực từ chi phí mặt bằng. Bởi dù việc buôn bán ảm đạm song chi phí mặt bằng chỉ có tăng chứ không giảm.

“Từ sau dịch COVID-19, tình hình buôn bán khá khó khăn, sức mua giảm hơn một nửa. Nhiều khách hàng chỉ vào xem rồi đi, có người còn so sánh với giá trên các ứng dụng mua sắm nhưng tôi không thể giảm. Buôn bán ế ẩm nên số tiền mỗi tháng thu về có lúc chỉ đủ trả tiền mặt bằng, các chi phí khác tôi phải xuất vốn nhà bù vào”, chị Loan bộc bạch.

Mở rộng khách hàng khi chuyển hẳn sang bán online

Theo anh Tâm, trước xu hướng mua sắm online ngày càng được ưa chuộng như hiện nay, nếu chỉ kinh doanh theo cách truyền thống sẽ khá chật vật. Vì vậy, mấy năm nay, anh đã mở thêm hình thức bán online và nhận về những kết quả khả quan: “Nếu lúc mới bán online, lợi nhuận thu về chỉ là phần phụ thêm để tôi trang trải các chi phí vận hành cửa hàng thì giờ đây nó đã chiếm khoảng 50% doanh thu”.

Trước những tín hiệu tốt đó, anh Tâm quyết định tiếp tục duy trì bán trực tiếp tại cửa hàng nhưng sẽ đánh mạnh vào bán online như livestream, xây dựng các kênh như tiktok, facebook để quảng cáo sản phẩm cũng như tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Anh Tâm quyết định tiếp tục duy trì bán trực tiếp tại cửa hàng, đồng thời mở rộng bán online . Ảnh: Mỹ Ly

Để duy trì kinh doanh, thích ứng với xu hướng mới, anh Kim cũng kết hợp 2 hình thức bán online và trực tiếp: “Buôn bán ế ẩm cộng thêm sự cạnh tranh của thị trường mua sắm online nên nhiều người không trụ nổi đã đóng cửa, trả mặt bằng. Tôi trụ được đến giờ cũng bán thêm online hóa. Tuy nhiên, để tăng doanh thu hơn nữa, tôi nghĩ mình cần tăng cường các hình thức quảng bá, livestream, tương tác với khách hàng”.

Từ khi kinh doanh online thêm, việc buôn bán của chị Loan đã cải thiện hơn hẳn, khách hàng của chị không chỉ có người địa phương mà còn có ở các tỉnh, thành khác. Vì vậy, sau khi đắn đo suy nghĩ, chị quyết định trả mặt bằng và chuyển hẳn sang bán online.

“Bán hàng online chiếm khoảng 70% lợi nhuận hiện tại của cửa hàng cộng thêm việc chủ nhà sắp tăng tiền thuê nên tôi quyết định trả mặt bằng hiện tại, thuê một chỗ có giá thấp hơn, đủ kinh doanh online để nhẹ gánh nặng chi phí”, chị Loan nói.

Theo đó, số tiền tiết kiệm được từ thuê mặt bằng, chị Loan sẽ dùng để quảng cáo, phát triển website, giúp khách hàng tiếp cận được với sản phẩm mình nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn