MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá dầu giảm là một trong những yếu tố góp phần đưa CPI 7 tháng năm 2023 của nước ta có xu hướng giảm. Ảnh minh họa: Tập đoàn Dầu khí

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Việt Nam tăng 0,45%

Quý An LDO | 29/07/2023 10:43

Theo số liệu vừa được công bố của Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.2023 tăng 0,45% so với tháng trước.

So với tháng 12.2022, CPI tháng 7 đã tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%.

Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.

So với tháng trước, CPI tháng 7.2023 tăng 0,45% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,58%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính viễn thông giá giảm 0,12%.

So sánh CPI của Việt Nam qua các năm. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Tổng cục Thống kê đánh giá, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 khi mức tăng chỉ còn 2%. Chỉ số giá tiêu dùng sang tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới, kéo theo chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2.2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7.2023. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022.

Đóng góp mức tăng vào chỉ số CPI 7 tháng là các yếu tố như giá điện, giá gạo trong nước. Chẳng hạn, giá điện sinh hoạt tăng 3,79% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 04.5.2023, tác động làm CPI tăng 0,13 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng 2,4% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

Dù vậy, vẫn có một số yếu tố làm giảm CPI 7 tháng như giá dầu hỏa giảm 12,41% so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước giảm 19,32% theo biến động của giá thế giới, giá gas trong nước giảm 11,44% theo giá thế giới. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Cũng theo số liệu được công bố, lạm phát cơ bản tháng 7.2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn