MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiêu lách luật của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi không được nhập hàng từ nhiều nguồn

Cường Ngô LDO | 15/03/2023 14:40
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, để doanh nghiệp lấy được nhiều nguồn, họ đã tách ra thành nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ. Điều này làm phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi phải tách ra hạch toán sổ sách tài chính kế toán, vay trả, xử lý công nợ.

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cho biết, hệ luỵ của việc không cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn - dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thành lập quá nhiều doanh nghiệp nhỏ của gia đình mình.

Có một doanh nghiệp xây dựng, quản lý một cửa hàng xăng dầu, nhưng vì để được lấy nhiều nguồn, đối phó với quy định bất hợp lý của Bộ Công Thương, doanh nghiệp này đã tách ra, thành lập thêm 2 hoặc 3, thậm chí là 4 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu riêng biệt.

Mặc dù trên thực tế cũng chỉ là 1 người sở hữu tất cả các doanh nghiệp đó.

"Điều này đã làm cho tăng số lượng về doanh nghiệp, song không tăng về chất lượng; làm phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi phải tách ra hạch toán sổ sách tài chính kế toán, vay trả, xử lý công nợ", ông nói và cho biết, ngay bản thân ông cũng tách doanh nghiệp của mình ra cho vợ con đứng tên để được lấy nhiều nguồn.

Theo ông, để đảm bảo quản lý chi tiêu và quản lý tài khoản và cân đối toàn bộ nguồn tiền có được thì người chủ doanh nghiệp phải quản lý cả 3-4 con dấu cùng lúc để lệnh chi xuất điều phối nguồn tiền của tất cả các doanh nghiệp mà mình đang quản lý.

"Đây là việc làm phức tạp và không hề dễ chịu, không thuận tiện trong quản lý của chủ doanh nghiệp xăng dầu hiện tại đang phải gánh chịu để đối phó với quy định.

Còn về mặt quản lý nhà nước lại càng phức tạp hơn khi phải quản lý quá nhiều doanh nghiệp, nhất là vấn đề quản lý thuế, nhận báo cáo cùng lúc quá nhiều doanh nghiệp thay vì đúng nghĩa thực chất chỉ 1 doanh nghiệp", ông nói.

Nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị lập hội đồng để phân chia khoản 1.350 đồng chi phí và lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá xăng. Ảnh: Cường Ngô 

Không chỉ "lách" để doanh nghiệp bán lẻ lấy được nhiều nguồn, mà doanh nghiệp bán lẻ còn than kinh doanh lỗ nặng.

Ông Lương Duy Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu 79 Lâm Đồng cho biết, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. 

Tuy nhiên, trong Thông tư 104 của Bộ Tài chính xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu - không ghi rõ tỉ lệ phân chia ở khâu bán buôn và bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này để hưởng gần hết chi phí này.

"Họ phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng ban phát", ông Khánh viết trong đơn kêu cứu.

Bà Nguyễn Thị Giang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dầu khí Chính Giang cho biết, yếu tố trên là nguyên nhân dẫn đến việc hơn một năm qua doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. 

"Chúng tôi lỗ nặng, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ", bà Giang bức xúc.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố: cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Theo ông, phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học?

"Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500-2.000 đồng/lít, tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm chiết khấu bằng cách đàm phán hợp đồng?", ông Đông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định cơ quan này đã tính đúng, tính đủ dựa trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, đồng thời sẽ rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở nếu có phát sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn