MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại thách thức lạm phát cuối năm. Ảnh: Vũ Long

Chính phủ đã kìm giữ rất tốt đà tăng lạm phát trong 6 tháng đầu năm

Vũ Long LDO | 30/06/2022 22:18
Chính phủ đã kìm giữ thành công lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất lợi đang thách thức việc kìm giữ lạm phát cả năm.

Kìm giữ lạm phát thành công dù nhiều yếu tố bất lợi

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng gia tăng do chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, địa chính trị và hệ quả của các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ trong năm 2020-2021. Trong nước, nền kinh tế phục hồi rõ nét, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân tăng cao, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng từ biến động giá trên thị trường thế giới. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,75%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,83%. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng năm 2022. Nguồn: TCTK

"Trước áp lực lạm phát tăng cao, Chính phủ đã kịp thời thực hiện một loạt giải pháp giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1.4.2022" - bà Nguyễn Thị Hương thông tin.

Áp lực kìm giữ lạm phát năm 2022 dưới 4% là rất lớn

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) lưu ý: Rủi ro do biến động giá năng lượng đang rất bất lợi, lạm phát có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - cũng nêu 4 yếu tố chính có thể khiến CPI tăng cao trong các tháng cuối năm: Thứ nhất, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao là yếu tố tác động lớn nhất khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế.

“Giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Hiện nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore chiếm khoảng 70% giá cơ sở đối với xăng và khoảng 80% giá cơ sở đối với dầu cho nên việc giá thế giới tăng cao có tác động rất mạnh tới giá trong nước. Theo tính toán của chúng tôi, thì giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm” - bà Oanh nói.

Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, có thể đẩy CPI tăng bởi nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế.

Đặc biệt, nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại, chỉ số giá nhóm thịt lợn tháng 6.2022 tăng 0,87% so với tháng trước và kéo theo giá các hàng hóa chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo.

Thứ ba, các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.

Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước cũng sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là việc áp dụng Khung học phí các cấp học của công lập theo Nghị định 81. Ngoài ra, từ ngày 1.7.2022, việc tăng lương cũng sẽ có tác động làm tăng CPI...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn