MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng đang phát triển với nhiều hoạt động và sự hỗ trợ lớn từ chính quyền. Ảnh: TT

Chính quyền Đà Nẵng mở đường cho khởi nghiệp sáng tạo

THUỲ TRANG LDO | 03/11/2019 11:00

Trong 3 năm gần đây, cụm từ khởi nghiệp hay khởi nghiệp sáng tạo đã được nhắc nhiều hơn tại Đà Nẵng. Từ một thành phố có lúc bị cuốn theo sự phát triển nóng của ngành du lịch, dịch vụ thì nay, chính quyền Đà Nẵng đã đầu tư nhiều hơn từ chính sách, hạ tầng và cả con người để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, sắp tới đây, thành phố còn cho ra đời quỹ đầu tư mạo hiểm với sự vận động tham gia của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp.

Nhiều dự án được định giá triệu đô

Ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng - cho biết, khi chính quyền Đà Nẵng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ cách đây 3 năm, cho đến nay đã có sự phát triển nhất định. “Nếu trước đây, tại Đà Nẵng chưa có quỹ đầu tư thiên thần nào, chưa có chương trình ươm tạo doanh nghiệp bài bản, số lượng người hiểu “startup” là gì chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay chúng ta đã có 2, 3 quỹ đầu tư. Các chương trình ươm tạo đang được mở ra nhiều hơn. Đặc biệt, hàng nghìn bạn trẻ không chỉ biết mà đã và đang bắt tay vào khởi nghiệp” - ông Trung cho hay.

Theo thống kê, trong 3 năm qua, các vườn ươm đã ươm tạo hơn 60 dự án khởi nghiệp tập trung ở các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, môi trường. Một số dự án khởi nghiệp cũng được nhà đầu tư quan tâm và kêu gọi được vốn đầu tư.

“Một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công có thể kể đến như Công ty công nghệ Hekate với sản phẩm chatbox được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo để giúp doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây cũng là doanh nghiệp công nghệ từng phối hợp với chính quyền Đà Nẵng thực hiện dự án chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, còn có thể kể đến dự án khởi nghiệp của anh Thống Lê Anh Tuấn với startup Zody đã được định giá 1 triệu USD vào năm 2018 và nhận được nhiều đề nghị đầu tư cả trong và ngoài nước. Với sự phát triển đó của các dự án, bức tranh sinh thái của Đà Nẵng cũng dần được mở ra rõ nét hơn” - ông Trung nói.

Chính quyền chủ động, ra mắt quỹ mạo hiểm

Năm 2018, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Vietnam - 2018, với sự tham dự của Thủ tướng chính phủ và đại diện các bộ, ngành, địa phương, đại sứ các nước, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, startup… đã được tổ chức tại TP.Đà Nẵng. Tại đây, các bộ, ngành đã có nhiều cam kết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách về thuế, về vốn… Thế nhưng thực tế, các chuyên gia đánh giá dù quyết tâm cao nhưng các chuyển động còn chậm so với sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp.

Nhìn nhận thực tế đó, ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Khoa học Công nghệ Đà Nẵng - cho biết, tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (SURF 2019) sắp tới, Đà Nẵng sẽ lần đầu tiên ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm do các doanh nghiệp tiềm năng của thành phố liên kết thành lập. UBND thành phố cũng đang xem xét phê duyệt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có những nội dung liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp. Về cơ sở hạ tầng, TP.Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng Khu làm việc và Đào tạo Khởi nghiệp, lồng ghép phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thiết kế Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng trong Khu làm việc và Đào tạo Khởi nghiệp.

Ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng - chia sẻ thêm, với quỹ đầu tư cho khởi nghiệp, cần hiểu rằng đó không chỉ là việc rót tiền trực tiếp vào doanh nghiệp mà nằm ở việc chính quyền hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để có thể tạo ra những quỹ đầu tư mạo hiểm. Như vậy, thay vì tìm cách đưa nguồn vốn nhà nước vào doanh nghiệp là chuyện không dễ dàng thì cố gắng đưa ra chính sách hỗ trợ về nhân lực cho những quỹ đầu tư thiên thần tư nhân có thể hoạt động.

Bên cạnh đó, riêng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - nói rằng, một thực tế hiện nay là quỹ đất dành cho nông nghiệp tại Đà Nẵng đang dần bị thu hẹp. “Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chúng ta không phát triển khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Bởi, khi xác định Đà Nẵng là một trong ba trung tâm khởi nghiệp của cả nước thì cần nhắc đến tính chất liên kết vùng. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tư duy rằng các startup tại Đà Nẵng có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và đem công nghệ đó ứng dụng ở các tỉnh khác tại miền Trung mới tạo ra câu chuyện thành công” - ông Dũng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn