MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Chính sách thuế phải chú trọng bảo vệ người nộp thuế

KHÁNH HÒA LDO | 09/01/2018 06:30
Ngày 8.1, tới dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục thuộc lĩnh vực tài chính trong đó đặc biệt nhấn mạnh về sự cần thiết phải thay đổi quan điểm khi xây dựng chính sách thuế để chú trọng bảo vệ người nộp thuế hơn thay vì chỉ hướng tới có lợi cho cơ quan quản lý.

Thay đổi chính sách thuế quá nhanh, quá nhiều, ít vì người nộp thuế

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thủ tướng thẳng thắn nêu ra thực trạng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, gây ảnh hưởng cho người dân và doanh nghiệp (DN), làm cho nhiều DN cứ thanh tra, kiểm tra thuế là bị mắc lỗi. Dù có DN lỗi nhiều, có DN lỗi ít, có DN cố tình vi phạm nhưng cũng có DN bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh và đó “là lỗi từ phía cơ quan nhà nước”. Thủ tướng nhận định việc thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, thiếu sự lắng nghe. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần khắc phục vấn đề này để chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5-10 năm.

Không chỉ nhắc tới vấn đề ổn định chính sách, định hướng chính sách thuế cũng được Thủ tướng chỉ ra khi cho rằng việc xây dựng chính sách hiện nay vẫn theo quan điểm có lợi cho cơ quan nhà nước mà chưa hướng tới quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Trong khi đó, quyền của cơ quan quản lý nhà nước rất lớn từ việc cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn, xử lý hành vi vi phạm, thậm chí chuyển cơ quan điều tra… nhưng quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân còn rất ít.

Chính sách thuế cũng luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, còn DN và người dân có kêu oan thì bị áp đặt là vi phạm. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận và việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Ngoài ra, tư duy chỉ coi trọng tăng thuế suất cũng cần được thay đổi và theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về thu ngân sách nhà nước cần tập trung mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là các “mỏ vàng” - hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017.Ảnh: Q.H

Đề xuất đổi cách tính thuế TNCN, tăng thuế VAT: Mới đang xin chủ trương

Liên quan tới việc xây dựng chính sách thuế, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã cùng lúc đưa ra đề xuất sửa đổi 5 luật thuế, trong đó đáng chú ý là các đề xuất thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng như tăng thuế VAT nhiều mặt hàng. Những đề xuất này đã tạo dư luận trái chiều và được các chuyên gia nhận định là sẽ gây ảnh hưởng tới hàng vạn người và cần phải chỉnh sửa cho hợp lý hơn. Mới nhất là việc Bộ Tài chính bổ sung phương án thay đổi cách tính thuế TNCN theo hướng giảm số bậc nhưng tăng thuế với phần lớn các nhóm thu nhập. Việc điều chỉnh này được đưa ra để giúp tăng thu 500 tỉ thay vì giảm hàng nghìn tỉ đồng theo tính toán của Tổng cục Thuế.

Cụ thể, thay vì thu thuế TNCN luỹ tiến với 7 bậc (5%; 10%; 15%; 20%; 25%; 30%; 35%), Bộ Tài chính đề xuất giảm bậc thuế xuống còn 5 bậc và thuế với nhóm thu nhập tới 5 triệu đồng sẽ không thay đổi thuế suất còn các bậc còn lại sẽ phải chịu thuế cao hơn,

Với phương án này, cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng).

Đề xuất này vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ ngành cũng như các chuyên gia. Chẳng hạn, Bộ VHTTDL cho rằng việc gộp thu nhập tính thuế trong khoảng từ trên 10 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng (cách nhau 20 triệu đồng) tại bậc 2 để tính chung mức thuế suất 15% là bất hợp lý nên đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc giảm số bậc thuế và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn cho dễ áp dụng, có tính khả thi cao và có điều chỉnh hợp lý mức sàn tính thuế ở mỗi bậc. Tại bậc 2, đề nghị mức sàn từ trên 10 triệu đồng/tháng đến 20 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; bậc 3 từ trên 20 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng thuế suất 15%.

Còn Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự thảo giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc làm cho chênh lệch phần thu nhập tính thuế rất lớn, ví dụ bậc 4 từ 50-80 triệu đồng cùng chịu thuế suất 30% là chưa hợp lý.

Ngoài việc ý kiến về bậc thuế, một số chuyên gia cho rằng quy định mỗi cá nhân người Việt Nam chỉ được khấu trừ chi phí hằng tháng cho bản thân là 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc đã được áp dụng 5 năm qua mà không thay đổi là quá lạc hậu, đặc biệt là khi lạm phát bình quân tại Việt Nam hằng năm đều ở mức 5-6% và lương cơ bản đã tăng nhiều lần. Việc giữ nguyên mức khấu trừ mà không tính yếu tố trượt giá trong khi lại đẩy thuế suất với phần lớn các nhóm thu nhập tạo bất lợi cho hàng vạn người dân.

Trả lời Báo Lao Động về những ý kiến trái chiều quanh đề xuất điều chỉnh cách tính thuế TNCN, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết đề xuất gây tranh cãi trên hiện mới là dự thảo gửi Bộ Tư pháp để thẩm tra và chưa phải là bản cuối cùng trình Chính phủ. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để có dự thảo bản cuối trình Chính phủ xin chủ trương để đưa vào lịch làm việc của Quốc hội. Theo ông Thi, sau khi được chấp nhận chủ trương, bộ mới xây dự thảo chính thức và sau đó lại “làm lại từ đầu” để lấy ý kiến góp ý của người dân, chuyên gia để tiếp tục sửa đổi trước khi trình Quốc hội xem xét phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn