MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh: SK Hynix).

“Chip chiến” có gây lo lắng như thương chiến?

Thế Lâm LDO | 04/07/2019 08:40
Sau cuộc gặp bên lề G20 giữa Tổng thống Trump của Mỹ và Chủ tịch Tập của Trung Quốc, hai bên đã tạm hoãn việc tăng thuế để tạo điều kiện trở lại bàn đàm phán. Thế nhưng thương chiến Mỹ - Trung vừa tạm hoãn thì “chip chiến” Nhật – Hàn lại có nguy cơ bùng phát.

“Chip chiến” là gì?

Nhật sẽ áp qui định mới từ ngày 4.7 theo đó sẽ kiểm soát chặt việc xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại hóa chất quan trọng phục vụ cho ngành bán dẫn. Ba loại nguyên liệu này gồm Polyimide sử dụng để chế tạo màn hình OLED dẻo, Etching gas là chất chống ăn mòn dưới dạng khí, và loại nguyên liệu còn lại sử dụng trong sản xuất bảng mạch.

Ba loại nguyên liệu trên là thành phần không thể thiếu trong ngành bán dẫn hiện tại, đặc biệt là đối với ngành sản xuất chip nhớ  và bộ nhớ flash mà các Cty Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix đang chiếm thị phần lớn trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, Samsung đang chiếm đến 70% thị phần thị trường chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và 50% thị phần bộ nhớ flash NAND. Đây là mảng “đẻ trứng vàng” cho Samsung với tỉ suất lợi nhuận thậm chí còn hơn cả mảng di động.

Trong khi đó, SK Hynix đứng ở vị trí thứ ba. Các Cty Hàn Quốc đang là nhà cung cấp chip nhớ, bộ nhớ flash NAND cho nhiều hãng smartphone lớn như Apple, Huawei, các hãng máy tính HP, Lenovo và cả những Cty sản xuất tivi lớn của Nhật là Sony, Panasonic...

Việc siết chặt xuất khẩu ba loại hóa chất cho Hàn Quốc bằng cách cấp giấy phép với  thời gian xem xét tới ba tháng, trong khi các nhà sản xuất chip nhớ và bộ nhớ fash NAND của hàn Quốc chỉ dự trữ được nguồn nguyên liệu khoảng hai tháng, đang gây ra lo lắng làm ngưng trệ sản xuất linh kiện của các Cty Hàn.

Những hệ lụy từ "chip chiến"

Tính từ năm 2017 trở lại đây, qui mô thị trường chip nhớ DRAM liên tục tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Cty IHS Markits, qui mô thị trường này đã đạt gần 90 tỉ USD vào cuối năm 2018. Trong khi đó, thị trường chip flash NAND cũng đạt qui mô đến 60 tỉ USD. Trên 50% thị phần của hai mảng thị trường chip này đều nằm trong tay các Cty Hàn Quốc.  

Chính vì thế, chuỗi cung ứng toàn cầu nguyên liệu sản xuất chip nhớ bị tác động sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và cung ứng linh kiện của các Cty Hàn Quốc. Song, hệ lụy của nó không chỉ có các Cty hàn Quốc gánh chịu, mà hơn thế sẽ còn ảnh hưởng đến tiến trình ra sản phẩm của các khách hàng của Samsung và SK Hynix.

Đó chính là hàng chục doanh nghiệp sản xuất điện thoại, điện tử lớn trên thế giới, trong đó có cả những nhà máy sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện thoại, điện tử tại Việt Nam của các doanh nghiệp FDI .

Theo ông Trần Thanh Hiệp - Quản trị diễn đàn công nghệ Tinh Tế, vụ việc nếu không giải quyết được sẽ rất nghiêm trọng vì hiện vòng đời các sản phẩm smartphone ngày càng ngắn, các nhà sản xuất xoay vòng rất nhanh, họ không tích trữ nhiều linh kiện cho khoảng thời gian dài.

(ảnh: iDownloadBlog).

Tờ Nikkei dẫn lời đại diện một tập đoàn điện tử Nhật cho rằng, “chip chiến” nếu bùng phát thì cũng sẽ gây ra tác dụng ngược như trường hợp các Cty Mỹ bị cấm bán linh kiện, giải pháp cho Huawei theo lệnh cấm của Chính phủ Mỹ vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn