MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VND dự kiến có thể tăng giá nhẹ trong nửa sau năm 2023. Ảnh: Cẩm Văn

Chịu tác động từ FED, đồng Việt Nam có thể tăng giá nhẹ trong nửa đầu 2023

Đức Mạnh LDO | 21/12/2022 07:00

ACBS dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 50 - 100 điểm phần trăm từ mức hiện tại trong tháng cuối của năm 2022 và có thể tăng thêm 50 - 100 điểm phần trăm trong 6 tháng đầu năm 2023 khi FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất. 

Lạm phát trong năm 2023 vẫn nằm trong kiểm soát

Vừa qua, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đồng thuận tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% và phát đi tín hiệu lãi suất dự kiến năm 2023 lên 5 - 5,5% cũng như giữ nguyên mức này cho đến năm 2024. Dù FED dù đã nâng triển vọng kinh tế Mỹ với tăng trưởng GDP tăng 0,5% vào năm 2022 nhưng FED cũng đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2023 xuống 0,2%. Điều này cho thấy Ngân hàng Trung ương kỳ vọng tăng trưởng sẽ hạ nhiệt khi nền kinh tế tiếp tục phải đối phó với lạm phát cao.

Ngoài ra, cơ quan này cũng tăng dự báo trung bình về lạm phát trong năm tới, được đo bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), sẽ tăng 5,6% trong suốt năm 2022 (nhanh hơn mức 5,4% được dự báo vào tháng 9 vừa qua) và tăng PCE từ 3,5% (cao hơn mức 3,1% được dự đoán vào tháng 9.2022).

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá bất chấp lạm phát cao ở Mỹ cùng việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, kỳ vọng CPI năm 2022 của Việt Nam vẫn sẽ tăng trong khoảng 3,2 - 4% và nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.

Tuy nhiên, ACBS dự kiến những tác động gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu và các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát. Dự phóng lạm phát năm 2023 có thể đạt mức cao nhất 4,5% và vẫn trong mục tiêu 4,5% của Chính phủ cho năm 2023.

  Sự thay đổi lãi suất điều hành của FED từ khi bắt đầu tăng. Ảnh: ACBS

Lãi suất liên ngân hàng có thể tăng từ 1 - 2%

ACBS dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VND từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 50 - 100 điểm phần trăm từ mức hiện tại trong tháng cuối của năm 2022 và có thể tăng thêm 50 - 100 điểm phần trong trong 6 tháng đầu năm 2023 khi FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất. 

Những áp lực mất giá của VND trong năm 2023 sẽ thấp khi:

Thứ nhất, USD suy yếu trong thời gian gần đây đã góp phần làm cho VND mạnh. Xu hướng này có thể tiếp tục do FED dự kiến giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.

Thứ hai, theo cổng thông tin của Chính phủ chuyên trang TP.HCM, lượng kiều hối về TP.HCM dự kiến đạt 6,8 tỉ USD trong năm 2022, tăng so với 6,5 tỉ USD trong năm 2021.

Thứ ba, FDI giải ngân dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh khi và giải ngân vốn FDI 11 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng 15,1% so với cùng kỳ, đạt 19,7 tỉ USD.

Thứ tư, rủi ro suy thoái gia tăng, đặc biệt là ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, dự báo kinh tế của FED báo hiệu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của Mỹ sẽ tiếp tục tăng 0,5% vào năm 2023. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một trong những nguồn cung cấp USD chính, có thể vẫn khả quan vào năm 2023 dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại.

Thứ năm, ngày 15.12, NHNN niêm yết lại tỉ giá mua USD. Đây là thông tin tích cực đối với thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Động thái này báo hiệu NHNN sẽ bắt đầu mua lại ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ dương. Đây là thông tin tích cực cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời điểm này. Bởi nếu NHNN mua vào USD sẽ trực tiếp bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, giúp giảm bớt sự thiếu hụt thanh khoản cho hệ thống.

Chuyên gia cho biết: "Chúng tôi nhận định trung lập đối với tỉ giá trong 6 tháng đầu năm 2023 và dự kiến VND có thể tăng giá nhẹ trong nửa sau năm 2023".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn