MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ đầu mối lớn của TPHCM nhưng vẫn đìu hiu sau khi hoạt động trở lại. Ảnh: HC

Chợ đầu mối Hóc Môn ở TPHCM đìu hiu vì chợ tự phát "chiếm lĩnh"

Huân Cao LDO | 28/09/2021 15:31

Chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM) hoạt động lại 1 tuần qua, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, nhưng lâm vào cảnh đìu hiu, trong khi các chợ tự phát xung quanh luôn nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.

Nhiều sạp hàng tại chợ vẫn cửa đóng then cài.

Ngày 28.9, PV đến chợ đầu mối Hóc Môn để ghi nhận thực tế sau 1 tuần chợ hoạt động lại. Điều ngạc nhiên là dù là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất TPHCM nhưng quan cảnh nơi đây rất đìu hiu.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một tiểu thương tại chợ chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, từ ngày chợ hoạt động trở lại ông được đưa hàng vào chợ buôn bán nhưng nhìn chung bán rất chậm.

"Không riêng gì tôi mà nhiều tiểu thương khác cũng bán chậm lắm, bởi để được vào chợ nhận hàng khách hàng phải trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt trong công tác phòng chống dịch nên họ ngại vào” - ông Tuấn nói.

 Lý do là nhiều tiểu thương chưa có ý định quay lại chợ vì buôn bán bên ngoài thoải mái hơn.

Trái ngược với cảnh đìu hiu của chợ đầu mối, là cảnh nhộn nhịp của các tiểu thương kinh doanh tự phát xung quanh chợ. Bà N.T.H trước đây bán hàng ở chợ đầu mối Hóc Môn, tuy nhiên từ khi chợ đóng cửa vì dịch bà H đã ra thuê mặt bằng trên đường nằm sau chợ để kinh doanh rau, củ quả.

"Thuê bán ở đây được 3 tháng rồi, ký hợp đồng với chủ cho thuê mặt bằng là 6 tháng, nên tôi không thể bỏ mặt bằng này chuyển vào chợ lại được. Hơn nữa, nhiều tiểu thương ở đây cũng chưa muốn quay lại chợ, bởi tiêu chí phòng chống dịch rất nghiêm ngặt cho cả người bán lẫn khách hàng vào mua, nên buôn bán ở đây thuận lợi hơn và giảm được nhiều chi phí hơn" - bà H nói.

 Trái ngược với đìu hiu bên trong chợ thì, tại các điểm kinh doanh trên tuyến đường xung quanh chợ luôn tấp nập.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - GĐ chợ đầu mối Hóc Môn xác nhận, từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay chưa đạt như kỳ vọng đã đặt ra. Lý do, nhiều tiểu thương sau 3 tháng đóng cửa, họ đã tự đi tìm mặt bằng khác để kinh doanh, khi chợ hoạt động lại họ chưa muốn vào chợ vì chi phí cao hơn so với kinh doanh ở ngoài.

"Nhìn chung xe hàng hóa về chợ qua các chốt đều được hết và rất thuận lợi. Tuy nhiên, do đóng cửa chợ gần 3 tháng nên tiểu thương thuê bên ngoài để kinh doanh dễ dàng hơn, không phải tuân thủ theo quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt như ở chợ.  Chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý nghiêm các điểm kinh doanh tự phát không thì họ mới quay lại chợ để kinh doanh. UBND huyện Hóc Môn đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này, nhưng chính quyền xã thực hiện chưa nghiêm" - ông Dũng nói.

 Hoạt động buôn bán nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.

Ông Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch UBND Xuân Thới Đông (Hóc Môn) cho biết, UBND xã đang phối hợp với UBND huyện Hóc Môn để tăng cường tuần tra, xử lý những trường hợp hoạt động kinh doanh trái phép và buộc tiểu thương quay lại chợ kinh doanh theo đúng quy định.

"Những tiểu thương buôn bán kinh doanh tại các tuyến đường xung quanh chợ, đa phần là những tiểu thương từng kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn, có những người sử dụng chính căn nhà của mình để kinh doanh. Chúng tôi kiểm tra, nếu phát hiện những tiểu thương nào không có giấy phép kinh doanh, không đảm bảo 3 tại chỗ thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định" ông Thuần nói.

Nhiều tiểu thương tại đây cho biết, vẫn chưa có ý định quay lại chợ vì buôn bán ở đây thuận lợi và giảm chi phí hơn.

Được biết, không chỉ chợ đầu mối Hóc Môn, mà hai chợ đầu mối khác là Thủ Đức và Bình Điền cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sau khi đi vào hoạt động lại, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, nhiều tiểu thương tại hai chợ này cũng không mặn mà quay lại chợ hoạt động. Lý do họ đưa ra, là quy trình kiểm soát dịch nghiêm ngặt, ít khách vào mua, trong khi chi phí cao hơn so với buôn bán bên ngoài chợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn