MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Việt Thống (tỉnh Sóc Trăng) bên vườn mận cổ 30 năm tuổi cho thu nhập gần cả tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: Phương Anh

Cho mận cổ ngủ màn, nông dân Sóc Trăng thu gần tỉ đồng mỗi năm

PHƯƠNG ANH LDO | 18/03/2024 16:25

Nhờ trồng loại mận (roi) cổ, nhiều nhà vườn ở thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập gần cả tỉ đồng mỗi năm từ bán trái và nhân giống mận.

Giá cao gấp 3 - 4 lần mận thường

Sở hữu 260 gốc mận xanh đường trong đó có hơn 150 gốc từ 30 - 40 năm tuổi đã giúp ông Huỳnh Việt Thống ở thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.

Ông Thống chia sẻ, 43 năm trước ông được người quen cho 2 nhánh mận xanh đường. Sau thời gian trồng, mận cho trái nhiều, ngon ngọt lại được thị trường ưa chuộng nên ông chuyển 8.000m2 đất vườn để trồng loại mận này.

“Điểm đặc biệt của mận xanh đường là cây càng lão thì cho trái càng sai, to và ngon ngọt. Hiện mỗi năm thu hoạch 4 - 5 đợt trái, mỗi đợt hơn 8 tấn. Giá bán luôn ổn định ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với các giống mận khác. Dù giá khá cao nhưng vẫn không đủ hàng để bán, có bao nhiêu là thương lái thu mua hết bấy nhiêu”, ông Thống nói.

Mận xanh đường càng lớn tuổi thì cho sản lượng càng cao và trái to, ngon ngọt. Ảnh: Phương Anh

Tương tự, ông Lê Văn Hội (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cũng có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ giống mận cổ này.

“Hiện đang mùa thu hoạch, mỗi ngày hái cũng vài trăm kg chủ yếu là thương lái đặt hàng trước. Ngoài ra, tôi còn nhân giống, cung cấp trên 1.000 cây giống cho nhà vườn với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/nhánh. Theo tính toán, sau trừ chi phí lợi, mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm”, ông Hội nói.

Sản phẩm mận xanh đường của ông Lê Văn Hội đạt chứng nhận OCOP 3 sao của thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Theo ông Hội khi mận chín, phần dưới của trái có màu đỏ rất đẹp mắt, phần đỏ càng nổi thì mận càng ngọt nhưng ngọt theo kiểu thanh chứ không gắt. Vì những ưu điểm vượt trội mà rất được thị trường ưa thích, thậm chí với những trái bị nứt, úng ông Hội xẻ lấy phần thịt còn ăn được để bán cũng có nhiều người mua.

Cho mận ngủ màn

Ông Lê Văn Hội cho biết để bảo vệ những trái mận cổ, gia đình đã dùng lưới bao trọn khu vườn. Ngoài ra, áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Ông Hội cho biết thêm, mận cũng đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao của thành phố Sóc Trăng cũng như truy xuất bằng mã vạch, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.

Nhà vườn dùng lưới bao trọn vườn mận để tránh sâu. Ảnh: Phương Anh

Tương tự, ông Huỳnh Việt Thống cũng đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để cho mận ngủ màn. Với biện pháp này đã giúp ngăn chặn côn trùng làm hư trái, bảo vệ trái đến kỳ thu hoạch. Nhờ đó giúp tăng năng suất trái.

“Gia đình sản xuất mận theo quy trình sạch, chỉ sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học nhờ vậy đảm bảo chất lượng mận thơm, ngon ngọt tự nhiên”, ông Thống nói.

Những trái mận đến ngày thu hoạch. Ảnh: Phương Anh

Theo Phòng kinh tế thành phố Sóc Trăng, thời gian qua các vườn mận xanh đường trên địa bàn được ngành chức năng hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Sóc Trăng; làm cầu nối cho các công ty lữ hành, các điểm du lịch kết nối với các vườn mận đường để tạo nên sản phẩm du lịch sinh thái tạo thêm điểm nhấn mới cho du lịch Sóc Trăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn