MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chợ nông sản trên Quốc lộ 14 ế ấm vì COVID-19

Bảo Lâm LDO | 22/06/2021 17:10

Chợ nông sản trên quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông là nơi giải quyết đầu ra cho hơn 2.600ha cây ăn trái và các loại nông sản trong vùng. Thế nhưng, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hàng hóa ở đây thường xuyên rơi vào tình trạng ế ẩm.

"Mở cửa cả ngày chẳng có khách nào"

Dọc Quốc lộ 14 đoạn qua thôn Thuận Đức, xã Đức Mạnh có 6 cửa hàng lớn chuyên buôn bán trái cây, nông sản nằm liền kề nhau. Các cửa hàng này trưng bày một lượng lớn hàng hóa như: Bơ, sầu riêng, mít, xoài... Hàng nhiều, nhưng khách đến mua rất ít, thậm chí cả ngày không có bất cứ bóng dáng của ai. Chủ cửa hàng cũng vì thế mà lơ là việc kinh doanh, buôn bán.

Nhiều loại mặt hàng trái cây đạt tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ... bày bán trên quốc lọ 14 đang rơi vào cảnh ế ẩm. Ảnh: Bảo Lâm

Khi chúng tôi vào tham quan các mặt hàng đang được bày ở đây, nhưng không gian vắng lặng, không có ai trông coi. Chúng tôi phải gọi liên tục một lúc, chủ cửa hàng là chị Lê Thị Thủy mới lật đật từ phía sau nhà bước ra.

Chị Thủy cho biết, dịp này việc buôn bán ế ẩm, cả ngày chỉ được vài khách vào hỏi mua hàng. Do đó, chị tranh thủ dọn dẹp, chăm sóc cây trồng ở sau vườn.

Theo chị Thủy, các mặt hàng của gia đình chị thường kinh doanh bao gồm: Sầu riêng, bơ, xoài, khoai lang… Đây đều là những mặt hàng do gia đình và người dân trong vùng sản xuất ra. Những năm trước, cửa hàng của chị luôn tấp nập khách mua hàng. Có những ngày chị tiêu thụ 3 - 4 tấn hoa quả các loại.

Thế nhưng, từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyến xe du lịch, xe khách lưu thông trên quốc lộ 14 đi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận không còn. Lúc này, việc buôn bán của cửa hàng trở nên khó khăn hơn, nhất là trái cây mua về không tiêu thụ được. "Có ngày mở cửa 24/24 giờ, nhưng chẳng thấy khách nào vào mua hàng” - chị Thủy buồn bã.

Do thường xuyên vắng khách nên chủ cửa hàng chỉ biết ngồi lướt điện thoại để giết thời gian. Ảnh: Bảo Lâm

Tại xã Đắk R’la cũng có liên tiếp 5 cửa hàng trái cây nằm liền kề nhau, buôn bán nông sản với đa dạng chủng loại. Nhiều loại trái cây, mặt hàng nông sản được trưng bày đẹp mắt, phủ đầy các sạp hàng để phục vụ khách qua đường, nhưng không có người mua. Tình cảnh này khiến một số gia đình phải đóng cửa hàng, tìm công việc khác để có thu nhập.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Theo UBND huyện Đắk Mil, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.600ha cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, bơ, xoài, mít... Những năm gần đây, nhằm hướng đến việc sản xuất bền vững, nhiều hộ dân đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Thậm chí, nhiều người còn không trông coi sạp hàng để đi làm việc khác. Ảnh: Bảo Lâm

Chất lượng các mặt hàng nông sản của huyện cũng vì thế được cải thiện, nâng cao. Khâu tiêu thụ nông sản cũng được diễn ra suôn sẻ, kể cả bán lẻ và xuất khẩu.

Đặc biệt, người dân một số xã như Đức Mạnh, Đắk N'drót, Đắk Gằn, Đắk R'la... đã hình thành được "kênh" tiêu thụ nông sản dọc quốc lộ 14. Họ lập nên những cửa hàng kinh doanh nông sản hai bên đường để phục vụ khách vãng lai. Nhiều năm qua, người dân buôn bán ở đây làm ăn khấm khá vì lượng hàng hóa tiêu thụ khá cao. COVID-19 diễn biến phức tạp, nên sức tiêu thụ nông sản qua "kênh" này đã giảm mạnh, giá cả cũng giảm sâu.

Theo ông Lê Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, các mặt hàng trái cây của địa phương đang gặp khó về đầu ra và giá cả giảm mạnh. Địa bàn huyện đang tồn đọng một lượng lớn hàng nông sản, nhất là sản phẩm xoài. Huyện Đắk Mil đã báo cáo với UBND tỉnh về vấn đề này. Đồng thời, huyện nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn