MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh doanh khó khăn, buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương lao đao tìm hướng đi mới. Ảnh: Mỹ Ly

Chợ truyền thống bị thu hẹp, chuyên gia gợi mở cách thích nghi

VÂN HI LDO | 04/12/2023 09:18

Trước tình trạng chợ truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp trong tương lai, xu hướng người tiêu dùng thay đổi, nhiều tiểu thương tại TP Cần Thơ chật vật tìm hướng đi mới để cải thiện cuộc sống.

Chật vật tìm hướng đi mới

Trước tình trạng chợ truyền thống vắng vẻ, đìu hiu, nhiều tiểu thương tại TP Cần Thơ chật vật tìm hướng đi mới.

Chị Phạm Thanh Hà, chủ sạp hàng quần áo tại chợ Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: "Tôi đổ tiền vào sạp quần áo này cũng hơn chục triệu đồng, mỗi ngày bán được 1-2 cái áo, chưa kể có hôm không bán được cái nào, sức mua ước giảm khoảng 70% so với năm trước".

Theo chị Hà, việc kinh doanh khó khăn, nhiều tiểu thương vì thua lỗ đã phải chọn cách từ bỏ công việc buôn bán, đóng cửa sạp, sang kiot còn bản thân cũng chật vật tìm hướng đi mới - "Bây giờ, duy trì mãi cũng không được nữa, tôi định đóng cửa tìm việc khác mà làm, hoặc lên thành phố xin làm công nhân" - chị Hà nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh (chủ sạp rau cải quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng chật vật khi rời kiot ở chợ, thuê mặt bằng di chuyển ra bán ở ngoài.

"Mấy tháng trước bán ở kiot trong chợ không ai mua, rau cải mỗi ngày mỗi nhập, không bán được để qua ngày đã thối, hỏng. Khoảng thời gian sau dịch COVID-19, số rau tôi bỏ đi vì hư còn nhiều hơn số rau bán được. Đồng lời mỗi ngày không có đến 1-2 trăm nghìn, khổ sở vợ chồng tôi đành dọn ra bán ở ngoài" - ông Thanh bộc bạch.

Một số tiểu thương rời kiot chuyển sang buôn bán ở bên ngoài nhưng vẫn chật vật khó khăn. Ảnh: Bích Ngọc

Theo ông Thanh, từ ngày ông chuyển ra ngoài bán thì thu nhập cũng khá hơn, tuy nhiên, hiện ông cũng lâm cảnh vất vả vì buôn bán khó khăn, cuộc sống gia đình cũng khá chật vật. "Để xem từ giờ tới Tết việc buôn bán có khá hơn không, nếu không thay đổi thì tôi buộc phải tìm việc khác để mà, cứ nếu kéo dài thế này thì mãi không sống nổi" - ông Thanh nói.

Chị Nguyễn Thu Thủy (chủ sạp hàng giày dép tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: "Thấy người ta chốt đơn online mà mình cũng háo hức. Tôi đang tìm kiếm nguồn hàng cung cấp, và cách thức để kinh doanh, mọi thứ ổn, tôi chuyển hẳn".

Chuyên gia gợi mở cách thích nghi

Theo ghi nhận, nhiều tiểu thương tại quận Ninh Kiều, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) cho biết, tình trạng chợ truyền thống vắng vẻ, kinh doanh ế ẩm kéo theo việc tiểu thương vì thua lỗ mà sang kiot tìm công việc khác để làm, hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Những kiot tại chợ An Cư (quận Ninh Kiều) cửa đóng, then cài vì vắng tiểu thương. Ảnh: Tạ Quang

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM) nhận định: Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đặc biệt, kể từ sau dịch COVID-19, người dân có thói quen mua hàng online và dần thấy sự tiện lợi nên xu hướng tiêu dùng bắt đầu thay đổi, không còn đến chợ mua sắm như trước.

Tình trạng tiểu thương bỏ chợ, xu hướng người tiêu dùng thay đổi thì trong tương lai chợ truyền thống sẽ bị thu hẹp. Chỉ có một số chợ nổi tiếng tồn tại có chủ đích, được quy hoạch mang tính chất du lịch với mục đích để du khách đến tham quan. Còn về lâu dài, chợ truyền thống sẽ chuyển sang cửa hàng tiện lợi, hoặc bán online để phù hợp với xu hướng tất yếu.

"Người tiêu dùng hiện không mua ở chợ truyền thống như ngày xưa nên việc buôn bán cũng sẽ gặp khó khăn, còn nếu bán thì buộc phải trả tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên nên sẽ tốn chi phí, trong khi bán không được thì càng để lâu lỗ càng nhiều. Do đó, việc chuyển đổi sang hình thức online sẽ có nhiều cơ hội hơn là việc bán trực tiếp chờ khách đến mua, và tất nhiên việc chuyển đổi cũng diễn ra đúng với quy luật, vì trong kinh doanh điều quan trọng là phải phù hợp với xu hướng" - Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn