MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ki-ốt trong chợ truyền thống luôn trong tình trạng đóng cửa. Ảnh: Thu Thuỷ.

Chợ truyền thống ở Hà Nội ế ẩm, đìu hiu trong tháng cuối năm

THU THUỶ LDO | 10/12/2023 15:48

Chợ Hôm (phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng là khu chợ truyền thống sầm uất giữa lòng Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ế khách, sức mua ảm đạm kéo dài dù trong tháng cuối năm khiến nhiều tiểu thương ngán ngẩm.

Ghi nhận những ngày đầu tháng 12, nhiều ki-ốt ở khu chợ này trong tình trạng đóng cửa. Một số gian hàng bỏ trống chưa có người thuê, còn lại là tiểu thương chưa mở hàng dù đã quá nửa ngày .

Buôn bán mặt hàng ẩm thực gần 30 năm trong chợ, bà Nguyễn Như Hoa (55 tuổi, Hà Nội) đã dọn hàng được gần 2 tiếng nhưng mới chỉ có 1 khách ngồi ăn.

“Giờ buôn bán cầm chừng là chính, ngồi từ sáng đến tối được chục khách là mừng lắm rồi. Hôm nào mưa gió thì xác định hôm đấy ế hàng, dọn ra lại thu đồ vào”, bà Hoa ngán ngẩm.

Lý giải về việc sức mua giảm mạnh, bà Hoa cho hay: “Thời buổi bán online nhiều, giao hàng tận nhà nên khách dần ít đi chợ truyền thống. Hầu như chỉ còn người lớn tuổi vẫn giữ thói quen này. Ở đây, toàn người bán lâu năm nên khó chuyển đổi sang mô hình mới, giờ chỉ biết cố gắng bám trụ chứ sao giờ…”.

Chợ truyền thống không duy trì được sự hấp dẫn đối với người dân. Ảnh: Thu Thuỷ.

Cùng rơi vào tình cảnh trên, bà Nguyễn Ngọc Lan (52 tuổi, ở Hà Nội) bán từ sáng đến trưa mới có 1 - 2 khách vào cửa hàng.

“Đây là tình trạng chung của cả khu chợ này rồi. Ế ẩm nhất chắc là mặt hàng ăn uống vì giờ khách có nhiều sự lựa chọn tiện lợi hơn. Thay vì bỏ ra phí gửi xe và thời gian đi bộ vào đây, họ có thể tấp xe vào 1 hàng quán ở mặt đường để ăn uống” - vị tiểu thương bộc bạch.

Cũng theo bà Lan, một trong những nguyên nhân khiến nhiều tiểu thương trả lại mặt bằng là do không có khách mua, đồng thời phải gánh đủ loại chi phí cố định như thuê ki-ốt, nhập hàng...

Ế ẩm đang là tình trạng chung của nhiều tiểu thương trong chợ truyền thống. Ảnh: Thu Thuỷ.

Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, nhưng cả khu chợ vẫn đìu hiu, lác đác người mua bán. Nhiều tiểu thương dọn hàng xong ngồi nghịch điện thoại, nói chuyện phiếm, tính toán tiền hàng, thậm chí là tập thể dục tại chỗ. Một số tiểu thương chỉ trông chờ vào lượng khách buôn quen, hầu như cả ngày không bán được mặt hàng nào cho khách lẻ.

“Giờ gần như chỉ lấy vị trí trong chợ là nơi vận chuyển hàng cho khách buôn đến lấy, giao cho các quán nước, nhà hàng” - một vị tiểu thương bán hoa quả nói với PV.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn