MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gian hàng ế ẩm, vắng người mua ở các khu chợ truyền thống. Ảnh: Khánh Linh

Chợ truyền thống ở Hòa Bình "trăm người bán, vài người mua" ngày cận Tết

Khánh Linh LDO | 01/02/2024 08:19

Dù đã sát ngày Tết ông Công ông Táo, nhưng những khu chợ truyền thống ở phố núi Hoà Bình vẫn vắng vẻ, ảm đạm, người mua giảm thấy rõ.

Chợ truyền thống đìu hiu

Dù chỉ còn 1 ngày nữa là đến Tết ông Công ông Táo, thế nhưng, đến thời điểm này, nhiều khu chợ truyền thống ở một số địa phương vẫn vô cùng ảm đạm.

Sáng dọn ra, tối dọn vào, cả ngày chỉ lác đác vài khách mua hàng là tình trạng chung của nhiều khu chợ truyền thống trên phố núi Hoà Bình những ngày gần đây.

Từ những gian hàng bán đồ cúng như vàng mã, hoa quả, gà, giò chả vẫn trong tình cảnh "trăm người bán, vài người mua". Nhiều tiểu thương ngồi thẫn thờ chờ khách.

Sáng 1.2 (22 tháng Chạp), có mặt tại chợ Nghĩa Phương - nơi được coi là chợ đầu mối nông sản lớn nhất Hoà Bình, những ngày này, không khí ảm đạm thấy rõ.

Những gian hàng đồ trang trí Tết cũng vắng khách mua. Ảnh: Khánh Linh

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Mai Loan - tiểu thương bán đồ thờ tại chợ Nghĩa Phương cho biết: "Tết năm nay khách ít lắm, sắp ông Công ông Táo rồi mà vẫn chưa thấy khách mua sắm gì nhiều, cả một ngày chỉ thi thoảng có một khách mua hàng. Năm nay may ra thì được một nửa của năm ngoái".

Cách đó không xa, cửa hàng hoa quả của chị Lê Thị Ninh ở ngay cổng chợ cũng không khá hơn là bao.

Chị Ninh buồn rầu: "Mọi năm đến khoảng thời gian này người người, nhà nhà đã bắt đầu đi sắm Tết, nhưng chợ Tết năm nay ảm đạm, thậm chí còn vắng vẻ hơn cả ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng. Nhưng cũng phải chịu chứ biết làm sao, hy vọng những ngày sát Tết thì sẽ ổn hơn".

Lý giải nguyên nhân ế ẩm, tiểu thương này cho hay, một phần do kinh tế đến thời điểm này vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một phần do người dân hiện nay đa số đặt mua online vì tiện lợi, không phải mất công đi chợ chọn lựa, trả giá.

Tại gian hàng hoa quả của chị Ninh, đa dạng các mặt hàng, từ mẫu mã đến giá cả. Những mặt hàng phục vụ cho Tết chủ yếu như dừa tài lộc, được bán với giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng/quả, phật thủ 80.000 - 100.000/quả và dưa hấu mini 35.000 đồng/kg.

"Nhiều tiểu thương ở đây cũng đã bắt đầu đăng bán online lên Facebook, Zalo, khi khách có nhu cầu thì giao hàng. Nhưng cũng nhiều nhà không có người giao nên vẫn chủ yếu là bán ở chợ. Ế ẩm là tình trạng chung nên cũng phải chấp nhận" - nữ tiểu thương buồn rầu.

Tình trạng này cũng tương tự ở nhiều khu chợ huyện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Chợ online nhộn nhịp

Ở một diễn biến khác, thị trường đồ trang trí, hoa quả, bánh kẹo Tết online lại vô cùng sôi động.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chị Nguyễn Hải Yến (TP Hoà Bình) nhắn tin đặt giò, chả, xôi, gà và một chút hoa quả, vàng mã tại một cửa hàng quen. Chỉ cần chuyển trước một nửa tiền và hẹn giờ giao hàng, việc đi chợ Tết ông Công ông Táo của chị đã hoàn tất.

Thay vì đi chợ, lựa chọn, trả giá, nhiều người lại lựa chọn cách đi chợ Tết online để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Khánh Linh

Chị Yến chia sẻ: "Tính chất công việc của mình khá bận rộn, càng đến Tết càng bận hơn, nhiều khi xong việc thì đã tối muộn, lúc đó các khu chợ gần nhà cũng đã tan hết, gần như chẳng còn mấy đồ để mua.

Chính vì thế, mình thường lấy số điện thoại của một số cửa hàng quen, khi nào cần thì sẽ gọi điện dặn họ trước, đúng ngày, giờ người bán sẽ giao hàng đến tận nhà, đầy đủ và bày biện đẹp đẽ".

Theo chị Yến, cuộc sống ngày càng phát triển, khiến việc suy nghĩ của những người trẻ về Tết cũng đã khác đi. Những nghi lễ truyền thống như cúng ông Công ông Táo, cúng giao thừa, thắp hương sáng mùng 1 Tết vẫn được duy trì, nhưng đã được rút gọn và mất ít thời gian hơn.

"Bây giờ chỉ cần có điện thoại thông minh thì cả một khu chợ đã có ở trên đó, không chỉ đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, những hội nhóm ở trên mạng xã hội cũng rao rất nhiều các dịch vụ, mặt hàng.

Từ những thứ nhỏ nhất như phong bao lì xì, đồ trang trí Tết cũng có thể mua online. Điều này rất tiện lợi với những người có công việc bận bịu vào thời điểm cuối năm, không có thời gian đi chợ" - chị Yến chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn