MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công ty chứng khoán miễn phí trọn đời cho nhà đầu tư mới như TCBS, DNSE, Pinetree, JBSV, AIS hay mới nhất là MBS. Ảnh: Đức Mạnh

Cho vay margin, công ty chứng khoán thu lãi đậm

Đức Mạnh LDO | 22/02/2024 09:27

Để thu hút lượng nhà đầu tư cá nhân đông đảo sau COVID-19, nhiều công ty chứng khoán đã cạnh tranh bằng cách giảm phí giao dịch, thậm chí miễn phí trọn đời khiến lợi nhuận từ mảng này bị "bào mòn" mạnh. Ngược lại, mảng cho vay margin mới chính là mảng mang lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán.

Xu hướng zero-fee lan rộng

Các công ty chứng khoán giai đoạn vừa qua cạnh tranh khốc liệt với điểm nhấn là xu hướng đưa phí môi giới về 0 giống như phí chuyển tiền của ngân hàng.

Ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư, Công ty CP FIDT - đánh giá: "Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128/2018/TT- BTC có hiệu lực từ tháng 2.2019 đã chính thức bãi bỏ phí sàn môi giới chứng khoán (mức sàn trước đó là 0,15%). Từ đó các công ty chứng khoán tham gia vào cuộc đua giảm phí không giới hạn. Đây là sẽ xu hướng chính về phí môi giới ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới".

Thực tế cuộc đua zero-fee (chính sách miễn phí giao dịch) đã khiến cho doanh thu mảng môi giới của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh.

Tại Top công ty chứng khoán có thị phần môi giới hàng đầu, VPS ghi nhận doanh thu mảng này đạt 2.785 tỉ đồng trong năm 2023, giảm nhẹ 3% so với năm trước. Tại SSI giảm 12% xuống 1.502 tỉ đồng; VNDIRECT giảm 30% còn 867 tỉ đồng. TCBS vươn lên vị trí thứ 4 trong thị phần môi giới nhưng doanh thu mảng này lao dốc tới 46% xuống 476 tỉ đồng.

Đi theo đó, biên lợi nhuận gộp mảng môi giới của các công ty cũng bị "bào mòn". Ngoài VPS cải thiện từ 14% của năm 2022 lên 19% của năm 2023, Top 3 còn lại đều suy giảm. Tại SSI từ 21% xuống 12%, VND từ 43% xuống 29%; TCBS từ 82% xuống 61%.

Thậm chí tại các công ty chứng khoán nhỏ như DNSE, Pinetree đều ghi nhận doanh thu môi giới năm 2023 thu hẹp so với năm trước và cùng chịu lỗ cho mảng hoạt động này.

Đánh đổi môi giới để nhận lại gì?

Nếu ngân hàng zero-fee để thu hút tiền gửi không thời hạn thì công ty chứng khoán cũng thu về lượng tiền lớn nằm đợi trong tài khoản giao dịch. Công ty chứng khoán nhờ đó có thể triển khai bán chéo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ khác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu từ môi giới.

Thống kê cho thấy, tổng dư nợ cho vay margin cuối quý IV/2023 vượt 170.000 tỉ đồng, tăng hơn 15.000 tỉ đồng sau 1 quý và cũng là mức cho vay cao nhất 2 năm trở lại đây. Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn tiết lộ với phóng viên rằng đây mới chính là mảng lợi nhuận béo bở mà họ săn đón.

Theo đó, lợi nhuận từ cho vay margin của Top 4 công ty chứng khoán bên trên đều đạt nghìn tỉ trong năm qua. Tiêu biểu là TCBS tăng 6% lên 1.602 tỉ đồng, cao nhất ngành chứng khoán và cao hơn mặt bằng chung của các ngân hàng quy mô nhỏ hiện nay ở mảng tín dụng. Cũng cần lưu ý rằng, mặt bằng lãi suất cho vay margin trong năm 2023 tại các công ty chứng khoán đã thấp hơn đáng kể so với năm 2022.

Chuyên gia từ Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, việc hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Các công ty chứng khoán sẽ phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch. 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35 - 45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán.

Giới phân tích cũng đánh giá, việc các công ty chứng khoán chạy đua thị phần khách hàng còn để chuẩn bị cho thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam sắp được nâng hạng lên mới nổi (dự kiến vào tháng 9.2023). Khi đó, dòng tiền từ ngoại biên sẽ đổ vào mạnh hơn, giao dịch trên thị trường trở nên sôi động và từ đó kích thích nhu cầu mua bán trong ngày từ phía nhà đầu tư trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn