MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Lục Ngạn đưa vải đi tiêu thụ, tháng 6.2023. Ảnh: Vân Trường

Chống gian lận mã số vùng trồng ở thủ phủ vải thiều Bắc Giang

Vân Trường LDO | 19/06/2023 16:27

Xuất hiện tình trạng một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang) để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác.

Ngày 18.6, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết, xuất hiện một số trường hợp trộn vải vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán hàng.

Do vậy, huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương, thậm chí đề nghị thu hồi mã số.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng, một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác.

"Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn vì nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì thiệt hại rất lớn", Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói.

Một container vải thiều Bắc Giang tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc đầu tháng 6.2023. Ảnh: Vân Trường

Về biện pháp xử lý, ông Thi cho biết "không những bằng xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự". Đồng thời, cần có quy định nghiêm ngặt hơn như thu hồi, cắt các mã số.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm, giá vải thiều ngày 18.6 khoảng 17.000 - 33.000 đồng/kg. Đến nay, huyện đã tiêu thụ được trên 34.000 tấn.

Với việc vải thiều đang vào chính vụ (từ ngày 5-6 đến 25-7), huyện đã triển khai nhiều biện pháp kết nối tiêu thụ vải thiều, kể cả trên các kênh thương mại điện tử.

Cùng trao đổi về vấn đề này, trung tá Trịnh Quang Hưng - đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn - cho biết, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm song vẫn xảy ra trường hợp có xe hàng bị trả lại.

"Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra rất kỹ từ lạt buộc, thùng xốp cho tới từng quả vải, đảm bảo không có sâu. Nếu phía Trung Quốc kiểm tra xác suất, phát hiện chất lượng không đều thì sẽ mất niềm tin, trả lại hàng. Vì vậy, quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang", trung tá Trịnh Quang Hưng nói.

Được biết, UBND huyện Lục Ngạn vừa thành lập 2 tổ liên ngành hỗ trợ, kiểm tra, xử lý vi phạm về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và gian lận thương mại trong vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều năm 2023.

Đặc biệt, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, các tổ cũng đã tuyên truyền người dân khi bó vải phải được xử lý hoàn toàn sạch lá, cắt cuống các bó vải với chiều dài cuống không quá 10 cm.

Các tổ công tác sẽ hoạt động liên tục từ ngày 6.6 đến hết ngày 31.7.2023, khi hết vụ vải thiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn