MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chóng mặt với hội nhóm buôn bán thực phẩm chức năng

Thu Giang LDO | 22/05/2023 19:37

Không chỉ còn bán nhỏ lẻ một vài hộp, các hội nhóm bán hàng thực phẩm chức năng gần đây tung ra chiêu bán hàng theo thùng, thậm chí cả chục thùng một đơn hàng nhằm đánh vào tâm lý càng mua nhiều càng được giá rẻ của người mua.

Trong vai người có nhu cầu tìm nguồn hàng kinh doanh thực phẩm chức năng online, phóng viên Lao Động được một tài khoản Zalo có tên Nhật Hạ cho vào một hội nhóm với hàng nghìn thành viên để khảo sát giá, chọn mặt hàng muốn buôn bán.

Chỉ trong một thời gian ngắn tham gia hội nhóm, trong các ngày 21 - 22.5, phóng viên được nhiều đối tượng chào mời hàng loạt mặt hàng thực phẩm chức năng giá rẻ, được quảng cáo là hàng xách tay, hoặc nhập trực tiếp từ nước ngoài như vitamin E, viên bổ não, dầu cá, thuốc sụn khớp, vi cá mập, viên chống nắng…

Khó xác minh nguồn gốc thực sự

Điều dễ nhận thấy là các mặt hàng được các thành viên của nhóm này rao bán đều quảng cáo là nhập trực tiếp từ nước ngoài về dù có mức chênh lệch giá rất khác nhau. Nhưng khi hỏi về giấy tờ, nguồn gốc hàng hoá, tài khoản Zalo Nhật Hạ rao bán hàng hóa tại đây chỉ thông báo rằng sản phẩm nhờ người quen mua qua đường xách tay.

Nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng như vitamin E, viên bổ não, dầu cá, thuốc sụn khớp, vi cá mập…, đang được rầm rộ rao trên mạng xã hội. Ảnh: Thu Giang 

Ngoài ra, dù được quảng cáo là hàng xách tay, hoặc người quen mang về từ nước ngoài nhưng tài khoản này khẳng định sẵn sàng cung cấp số lượng lớn, từ vài chục hộp thậm chí tới vài thùng, mỗi thùng cả trăm hộp và càng nhập nhiều, giá càng rẻ.

"Đối với viên uống bổ xương khớp thì bên tôi đang có giá sỉ 288.000 đồng/hộp, lấy từ 10 hộp trở lên thì mức giá lại càng rẻ hơn nữa. Người mua chỉ cần đặt hàng, số lượng muốn nhập về bao nhiêu cũng được. Còn đối với loại kẹo dẻo bổ sung vitamin thì giá sỉ đang là 164.000 đồng/hộp, giá siêu tốt nếu khách nhập từ 3 thùng hàng trở lên" - tài khoản tên Nhật Hạ chia sẻ. 

Với nguồn hàng dồi dào kể trên, nhiều người tiêu dùng đã không khỏi lo lắng vì khó xác minh nguồn gốc thực sự, cũng như làm cách nào để phân biệt được thật giả của các sản phẩm chức năng được rao bán trong các hội nhóm trên mạng xã hội.

Chị Trịnh Thị Tươi (sinh sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đứng ở góc độ người tiêu dùng, rất khó có thể phân biệt được đâu là thực phẩm chức năng thật hay giả. Khi có nhu cầu, chị Tươi cũng chỉ biết tìm đến các tài khoản, trang Facebook cá nhân quen biết để mua bán, đặt hàng

Trên thực tế, theo chị Tươi, các trang cá nhân bán hàng thực phẩm chức năng gần như không có ai kiểm soát. Người bán ngang nhiên bán, người mua vô tư mua, trong khi giá bán cũng không có cơ sở để xác định là cao hay thấp.

Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo là hàng xách tay nhưng được giao bán sỉ lẻ trong các hội nhóm với giá rẻ bất ngờ. Ảnh: Thu Giang 

Nên mua tại cửa hàng đã được cấp phép

Trong khi đó, một thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) được đưa ra vào cuối năm 2022 cho thấy, có đến 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên các mạng xã hội đều là gian lận.

Cụ thể, những loại thực phẩm chức năng giả này trước đây chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hiện nay đã thành quy mô công nghiệp. Đáng chú ý, thực phẩm chức năng giả hiện không chỉ được sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Nói về hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - vào tháng 3.2023 lưu ý, mặt hàng hóa mỹ phẩm, dược phẩm thường gắn liền với sức khỏe của người dân.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để làm hàng giả, sử dụng những công nghệ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra và đánh lừa người tiêu dùng.  

Do vậy, đây là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và đột xuất của lực lượng Quản lý thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng thường gắn liền với sức khỏe của người dân nên nhu cầu tìm mua tăng cao. Ảnh: Thu Giang 

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái bởi hiện nay các đối tượng kinh doanh thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.

Đối với các sản phẩm là thuốc, người tiêu dùng nên tìm hiểu, mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội, chuyên gia khuyến cáo.

Gần đây, loại viên uống chống nắng cũng được nhiều người bán quảng cáo đều là hàng xách tay có xuất xứ Mỹ, Nhật Bản, Đức... Nhưng mức giá bán lại chênh lệch khách thường, từ 150.000 đồng/hộp đến 2,5 triệu đồng/hộp. Trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, thông tin về viên uống chống nắng cũng được quảng cáo rầm rộ với đủ mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn