MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng lệnh giao dịch bị nghẽn tại sàn Cty chứng khoán không được sàn HoSE tiếp nhận thường xuyên xảy ra trong các phiên giao dịch chiều. Ảnh: Thế Lâm

Chống nghẽn lệnh chứng khoán: Giải pháp tình thế chưa rõ, chưa thông!

Thế Lâm LDO | 05/03/2021 08:51

Những ngày qua trên các diễn đàn về chứng khoán, các giải pháp được phía Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đề xuất nhằm giải quyết tình trạng nghẽn lệnh giao dịch đã gây nhiều dư luận trái chiều.

“Chọn cái ít dở hơn…”

Khi 2 giải pháp tạm thời cơ bản nhất để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh giao dịch được HoSE đưa ra gồm chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ sàn HoSE sang sàn HNX và nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu, 2 đối tượng bị tác động trực tiếp chính là doanh nghiệp niêm yết và các nhà đầu tư.

Tuy nhiên trước tình thế ngay tại thời điểm hiện tại cũng như trong một, hai tháng tới, sàn HoSE chưa thể đưa hệ thống công nghệ mới vào vận hành. Cũng đồng nghĩa, sẽ không có giải pháp khắc phục nào tối ưu 100%.

Việc lựa chọn giải pháp nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu, theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, là “trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn”.

Nếu theo phương án “chọn cái ít dở hơn”, theo tính toán được ông Lê Hải Trà - CEO của HoSE - công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng, sẽ giúp giảm từ 40%-50% tổng lượng lệnh giao dịch.

Chúng ta tạm tin rằng, với việc nâng lô lần này giúp giảm tải mạnh hơn tổng lượng lệnh giao dịch sẽ giải quyết hiệu quả hơn tình trạng nghẽn lệnh so với lần nâng lô trước đây (nâng từ lô 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu từ ngày 4.1.2021, nhưng không giải quyết được tình trạng nghẽn giao dịch).

Tuy nhiên, như trên nhiều diễn đàn đầu tư chứng khoán bàn bạc sôi nổi trong thời gian qua, việc nâng lô cũng đồng nghĩa thu hẹp cơ hội tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn HoSE, và sàn giao dịch này bỗng dưng trở thành “sân chơi của nhà giàu”.

Bên cạnh đó, giải pháp chuyển doanh nghiệp niêm yết từ sàn HoSE sang HNX cũng gây ra không ít “tâm tư”. Bởi thanh khoản trên sàn HNX chỉ bằng khoảng 15%-20% thanh khoản trên sàn HoSE trong nhiều tháng trở lại đây, giao dịch ít sôi động hơn và cơ hội huy động vốn qua sàn mà doanh nghiệp muốn thực hiện cũng có thể bị ảnh hưởng.

Cần minh bạch giải pháp căn cơ!

Giải pháp căn cơ nhất hiện nay là đưa vào hoạt động hệ thống công nghệ mới (KRX) trên sàn HoSE.

Cho tới thời điểm này, dường như chưa có một công bố rõ ràng về từng bước tiến độ lắp đặt, hoàn thiện, thử nghiệm và vận hành KRX. Điều đó khiến nhà đầu tư không chỉ mù mờ, mà còn băn khoăn, thậm chí xoay ra nghi ngờ dự án trang bị hệ thống KRX trên sàn HoSE.

Vì sao cần phải công bố rõ ràng và minh bạch lộ trình, tiến độ với từng mốc thời gian cụ thể? Thứ nhất, để các doanh nghiệp niêm yết nói chung và doanh nghiệp phải tạm thời chuyển sàn nói riêng được biết khoảng thời gian tạm chuyển sàn là bao lâu cũng như thời điểm “trở về” để sắp xếp các kế hoạch liên quan. Thứ hai, nhà đầu tư cũng cần được biết giải pháp tạm thời áp dụng quy định lô giao dịch tối thiểu 1.000 cổ phiếu trên sàn HoSE sẽ kéo dài đến bao giờ, và dự kiến thời điểm KRX đi vào vận hành và có thể trở lại giao dịch với lô tối thiểu 100 cổ phiếu.

Chính vì các giải pháp tạm thời trên được đưa ra dư luận nhưng không có được những điểm chốt về thời gian và thời điểm rõ ràng dù chỉ là dự kiến (có tính khả thi) cho nên càng gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận, trong đó dư luận không hài lòng, đánh giá tiêu cực… lại lấn át.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng các giải pháp tạm thời khắc phục tình trạng nghẽn giao dịch chỉ tác động đến một số doanh nghiệp hay những nhà đầu tư nhỏ lẻ đóng góp không quá lớn vào thanh khoản trên sàn HoSE.

Vấn đề là, thị trường không thể tránh khỏi sự tác động từ các giải pháp này, đặc biệt thị trường chứng khoán lại rất dễ bị tác động từ tâm lý của nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn