MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành công thương và nông nghiệp đảm bảo cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu ra thị trường phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Long

Chủ động nguồn hàng, kiểm soát thị trường hàng hóa Tết

Vũ Long LDO | 04/11/2020 06:17

Các địa phương và ngành Công Thương đã cân đối nhu cầu thị trường, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, ấm cúng.

Theo Bộ Công Thương, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Mặt khác, cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm này cung cầu các hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định. Nguồn cung hàng hóa được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt nên khá dồi dào, đa dạng. Chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương tập trung triển khai nên khó xảy ra biến động lớn về giá hàng hóa.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng cho biết: Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng thiết yếu, Tổng cục Quản lý thị trường đang triển khai kiểm tra các mặt hàng nóng, trọng điểm và có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá điếu, xìgà rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm…

Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích về niêm yết giá nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ...

Không để thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu

Để chủ động nguồn hàng phục vụ người dân thủ đô đón Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra dự báo về nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên Đán 2021. Theo đó, các mặt hàng nông sản khô tăng từ 25-33% so với tháng thường; xăng dầu tăng khoảng 20%; các loại hoa, cây cảnh tăng 25-35%... Ước tính hàng hóa phục vụ Tết của Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỉ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Thực phẩm thiết yếu dồi dào trên thị trường, đảm bảo phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Long

“Hàng hóa Tết sẽ phục vụ tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn Hà Nội” – bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Central Retail, BRG, Co.opmart... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300-500% so với bình thường, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động nguồn hàng hóa bình ổn giá đối với 12 mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đối với các địa phương có các xã xa trung tâm huyện cần bình ổn thị trường, dự kiến giao nguồn vốn về UBND các huyện, thành phố theo nhu cầu đăng ký của địa phương với nguồn vốn hỗ trợ 7 tỉ đồng để thẩm định cho các đơn vị tham gia vay vốn thực hiện chương trình bình ổn giá. Ngoài ra, sẽ vận động các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia bình ổn giá nhưng không vay vốn.

Phục vụ người dân sắm tết năm nay, TPHCM cũng chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng khoảng 5% so với Tết Nguyên Đán 2020 và thực hiện các chương trình bình ổn giá để mọi người dân đều có tết.

Thành phố Vũng Tàu cũng đã đưa ra 4 giải pháp để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trong đó, kiểm tra ngăn chặn việc đầu cơ găm hàng, tăng giá bất thường...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn