MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất nhiều xe container đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: Như Nguyệt

Chủ hàng vẫn nuôi hy vọng

Cao Nguyên LDO | 09/04/2020 07:04

Dù số lượng hàng nông sản “mắc kẹt” ở bãi tại các cửa khẩu của Lạng Sơn vẫn hơn 1.000 xe container, nhưng mỗi ngày lượng hàng về đây vẫn ngày càng nhiều. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có khuyến cáo và cảnh báo, nhưng theo ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục hải quan Lạng Sơn thì các chủ hàng, tiểu thương không còn cách nào khác nên họ vẫn đưa hàng lên và nuôi hy vọng….

Hàng tồn nhiều, chủ hàng vẫn hy vọng

Tính đến ngày 7.4, số lượng hàng nông sản còn tồn tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là hơn 1.100 xe container. Lượng xe container ùn ứ này sẽ ngày một tăng thêm nếu không có các giải pháp quyết liệt để giải quyết. Chia sẻ với Lao Động, ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho biết, Trung Quốc đang thực hiện những giải pháp nhằm siết chặt quản lý hàng hóa XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, theo thông báo của thị xã Bằng Tường tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, từ ngày 7.4, các cửa khẩu phụ gồm Tân Thanh và Cốc Nam chỉ thông quan 5 giờ/ngày (buổi sáng từ 8h-11h, buổi chiều 12h-14h), nghỉ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. Cũng theo ông Tường, trước đó phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã ban hành thông báo về việc tăng cường quản lý dịch bệnh từ nước ngoài tại các cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Trung Quốc chỉ duy trì thông quan hàng hóa qua 5 cửa khẩu gồm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam.

Cũng theo vị lãnh đạo này, phía Trung Quốc cũng tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác và thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục tăng cường quản lý chặt với tất cả lái xe chở hàng qua biên giới như phải có đăng ký tên, tuổi, địa chỉ thường trú; chỉ được hoạt động tại khu vực bãi hàng và xuất cảnh về Việt Nam trong ngày.

Ông Tường chia sẻ, hiện nay, vẫn đang còn hơn nghìn container hàng nông sản đang mắc ở các cửa khẩu. Các xe hàng cứ xếp lốt để chờ đến lượt. Xe nào đến trước và nằm chờ lâu thì được ưu tiên trước để tránh bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có thông báo và khuyến cáo đối với các địa phương, thậm chí các doanh nghiệp cũng biết. Tuy nhiên, thực tế thì hàng nông sản này vẫn được đưa lên.

“Mặc dù biết được tình hình ùn ứ kéo dài nhưng các chủ hàng, tiểu thương vẫn nuôi hy vọng và đưa hàng lên” - Phó Cục trưởng Cục hải quan Lạng Sơn nói thêm.

Trao đổi qua điện thoại, chị Phạm Như Nguyệt, một tiểu thương ở cửa khẩu Tân Thanh cho biết, hiện nay mỗi ngày chỉ xuất được 50 xe nên số lượng tồn lại ở bãi khá nhiều. Việc tồn hàng như vậy sẽ thiệt hại lớn đến các chủ hàng. “Chi phí ở bến bãi, tiền nuôi tài xế và đặc biệt là hiện nay phải bỏ tiền thuê lái xe (do Trung Quốc không nhận lái xe ở vùng dịch - PV) để chuyển hàng sang phía Trung Quốc” - chị Nguyệt - nói và cho biết thêm... ”nhưng đành phải liều và đưa lên đây để hy vọng vớt vát một ít vốn...”.    

Tỉnh lạng sơn: Không để đóng hết các cửa khẩu

Để tạo thuận lợi cho hàng hóa, phía Trung Quốc đề nghị Lạng Sơn thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu chở hàng qua lại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc). Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía tỉnh đã bố trí 300 lái xe để phục vụ cho công tác vận chuyển hàng hóa sang phía Trung Quốc. Tất cả các lái xe này trước khi nhận công việc đều được xét nghiệm và phải âm tính với COVID-19.

“Quan điểm của tỉnh là không để cho đóng hết tất cả các cửa khẩu. Mặc dù hoạt động chậm nhưng vẫn phải tồn tại để sau khi hết dịch việc khơi thông nhanh hơn” - ông Trưởng nói.

Ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cũng cho biết, sở cũng có văn bản khuyến cáo đến các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả nên cập nhật thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó các doanh nghiệp, thương nhân chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hóa, xuất nhập hàng hóa hợp lý để giảm thiểu thiệt hại.

Đồng thời nghiên cứu thực hiện việc chuyển dần từ loại hình XK tiểu ngạch biên giới sang loại hình XK chính ngạch để tránh rủi ro trong thương mại hoặc có phương án tiêu thụ hàng hóa nông sản trong thị trường nội địa.

Theo ông Hội, doanh nghiệp cần chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế, thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương; các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…

“Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc thường xuyên theo dõi sát, nắm tình hình, có sự thông tin, trao đổi với các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn để cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, thương nhân chủ động có phương án triển khai hiệu quả, giảm thiểu tối đa hàng hóa ùn ứ và những thiệt hại lớn về kinh tế” - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn