MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ mới. Ảnh: Gia Miêu

Chu kỳ mới của cổ phiếu bất động sản

Gia Miêu LDO | 12/08/2023 08:49

Nhóm cổ phiếu bất động sản dù có nhiều cổ phiếu đã phục hồi trên 50% trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn đang trong vùng giá thấp trong 2 năm gần đây và còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt hơn.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip với sự đóng góp của cổ phiếu VIC hơn 4,7 điểm vào chỉ số chung, đã giúp thị trường có màn "quay xe" ngoạn mục khi hồi phục gần 20 điểm và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày.

Sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn VIC đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản trở lại đường đua. Cụ thể, với thông tin Vinfast lên sàn Mỹ, cổ phiếu VIC đã vững vàng đứng tại mức giá trần khi đóng cửa tăng 6,9% lên mức 72.600 đồng/CP, là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 1 năm qua, từ phiên đóng cửa ngày 4.7.2022 tại mức 72.700 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản cũng xác lập kỷ lục mới với xấp xỉ 22,94 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng khối lượng dư mua trần gần 0,72 triệu đơn vị. Cùng anh cả VIC, cặp đôi còn lại nhà Vingroup là VHM và VRE cũng tìm lại sắc xanh, trong đó VRE tăng 2,3% lên mức giá cao nhất ngày cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Một số mã vừa và nhỏ khác trong nhóm bất động sản cũng đảo chiều khởi sắc và lấy lại sức nóng như DXG tăng trần với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 35,74 triệu đơn vị và dư mua trần 0,25 triệu đơn vị; TCH tăng vọt và đóng cửa tại mức giá trần với thanh khoản vọt tăng lên mức 17,9 triệu đơn vị; QCG cũng tìm lại sắc tím và kết phiên đứng tại mức giá 11.900 đồng/CP. Hàng loạt mã nóng khác như NVL, DIG, PDR, CII, KBC, LCG, KHG, KDH, FCN, DPG… cũng đảo chiều tăng vọt.

Các chính sách gỡ vướng bước đầu phát huy hiệu quả, doanh nghiệp nỗ lực tái khởi động dự án để đưa sản phẩm ra thị trường, mức độ quan tâm tới bất động sản cũng cải thiện rõ nét… Ghi nhận của Wichart từ các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 tới thời điểm hiện tại cho thấy, ngành bất động sản dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước (tăng 110,9%). Xét 15 doanh nghiệp bất động sản báo lãi cao nhất trong quý II/2023, có 7 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.

Với những nhà đầu tư, dường như một chu kỳ mới đang mở ra với thị trường bất động sản. Có thể thấy nhóm bất động sản dù có nhiều cổ phiếu đã phục hồi trên 50% trong giai đoạn vừa qua nhưng rõ ràng vẫn đang trong vùng giá thấp trong 2 năm gần đây. So với nhiều nhóm ngành khác thì nhóm bất động sản còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt hơn. Về trung hạn, sau giai đoạn khó khăn về thanh khoản và dòng tiền thì nhiều công ty bất động sản cũng bắt đầu chu kỳ cơ cấu tài sản trở lại và điều này cũng tạo sự kỳ vọng cho giai đoạn mới của các công ty phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Chuyên gia của Công ty khoán VietinBank (CTS) nhận định, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ từ đầu năm như thành lập các tổ công tác tháo gỡ pháp lý các dự án, ban hành Thông tư 08 cho phép các doanh nghiệp và trái chủ đàm phán các vướng mắc về các khoản trái phiếu đã phát hành, định hướng xu hướng giảm lãi suất sau các thông báo giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu tháng 3, thành lập sàn giao dịch trái phiếu trên sàn HNX, các doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng dần bước qua giai đoạn khó khăn trong nửa cuối năm nay và từng bước lấy lại đà tăng trưởng sau đó.

Các kỳ vọng trên là động lực chính khiến dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong tuần qua và dự báo tiếp tục duy trì xu hướng trên trong ngắn hạn. Tuy vậy, về dài hạn, nhà đầu tư khi tham gia nhóm cổ phiếu này cũng cần đánh giá kỹ bức tranh tài chính và khả năng triển khai, bàn giao dự án của các doanh nghiệp bởi tốc độ hồi phục và tăng trưởng trở lại sẽ có sự phân hóa mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn