MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh CTG

Chủ tịch HĐQT VietinBank nói gì về việc tăng vốn tại Đại hội cổ đông 2020?

Lan Hương LDO | 23/05/2020 09:54
"Các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới", ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết.

Nóng câu chuyện tăng vốn

Câu chuyện tăng vốn của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank; mã HoSE: CTG) là một trong những vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm.

Sáng ngày 23.5, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết: “Năm 2019, Hội đồng quản trị chỉ đạo triển khai các phương án tăng vốn và nâng cao chất lượng nguồn vốn tự có của VietinBank.

Chúng tôi đề xuất các giải pháp để Chính phủ và các Bộ ngành phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank. Hiện tại Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành liên quan đã trình Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank. Các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi cơ sở pháp lý, Nghị định 91, 32 và các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Thọ phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Ảnh: Lan Hương

VietinBank thực hiện tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu thứ cấp. Năm 2019, VietinBank phát hành hơn 5500 tỉ đồng trái phiếu thứ cấp, bán danh mục đầu tư trái phiếu thứ cấp, thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty mà VietinBank góp vốn nhưng vẫn đảm bảo quyền kiểm soát và phát triển đồng bộ theo hướng Tập đoàn ngân hàng tài chính”.

Nguyên nhân khiến câu chuyện tăng vốn của VietinBank trở nên “nóng” là do kể từ ngày 1.1.2020, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%, theo chuẩn mực vốn quốc tế Basel II.  

“Yêu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn: Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%”, đại diện VietinBank cho biết.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định mới, ngay đầu năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank cần bổ sung một lượng vốn khá lớn.  

Các ngân hàng này đều có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống, đặc biệt là VietinBank và Agribank đã sát ngưỡng tối thiểu quy định 9%.

Đề xuất không chia cổ tức năm 2019 hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu

Về kế hoạch tăng trưởng năm 2020, VietinBank dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 4-8,5%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 2%.

Tuy nhiên, hai vấn đề quan trọng là kế hoạch lợi nhuận và cổ tức thì VietinBank chưa chốt được kế hoạch cụ thể cho năm 2020. Ông Lê Đức Thọ cho biết: “Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến bảo đảm hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh. Bám sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 thì cập nhật kế hoạch lợi nhuận.

Về vấn đề cổ tức, sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ theo quy định, đại diện lãnh đạo VietinBank đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có để đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. Phương án cụ thể chia cổ tức sẽ được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn