MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: Từ bán mì gói đến tỉ phú đô la

Dung Phạm LDO | 22/12/2018 08:46
Không ồn ào, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang âm thầm tạo dựng cho mình một đế chế hùng mạnh trên thị trường nước mắm với khối tài sản ước tính 1,2 tỉ USD.

Ông chủ chỉ giữ 15 cổ phiếu của Masan

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Khoa là người khá kín tiếng.

Bloomberg – tạp chí về kinh tế uy tín nhận định, có sự suy giảm tài sản của các tỉ phú Châu Á trong một năm khó khăn. Song nó lại tạo ra cơ hội cho sự trỗi dậy của những tỉ phú đô la mới ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang của Việt Nam.

Trước đó, đầu năm nay, Bloomberg cũng đề cập đến việc ông Quang sở hữu khối tài sản trị giá 1,2 tỉ USD. Bloomberg đặt biệt danh cho ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang là "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt Nam và nhấn mạnh con đường trở thành tỷ phú của vị doanh nhân này dựa trên mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị "bắt buộc phải có" vào trong căn bếp của mọi hộ gia đình Việt.

Ông Quang hiện là cổ đông chủ chốt của Masan Group với vốn hóa hiện đạt hơn 91.000 tỉ đồng (gần 4 tỉ USD). Điều đáng nói là, ông Quang chỉ nắm trong tay 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan nhưng là ông chủ thực sự của Masan khi ông Quang là cổ đông chính của Công ty Cổ phần Masan (Masan Corp).

Hiện tại, ông Quang đang sở hữu 377,596 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 32,46% vốn điều lệ Masan Group.

Ngoài ra, phu nhân của ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 42.415.234 cổ phiếu MSN, tương đương với 3,65 % vốn điều lệ Masan Group. Mẹ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Quý Định đang nắm giữ 1,99 triệu phiếu MSN, tương đương 3,65% vốn điều lệ Masan Group.

Dù không trực tiếp nhưng thông qua công ty liên quan và người thân, ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ tới gần 40% vốn điều lệ tại Masan Group.

Khởi nghiệp từ mì gói

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, từng học tập và sinh sống ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.

Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.

Bắt đầu với mì gói, ông Quang đã nhanh chóng mở rộng thị trường với nước mắm.

Đến năm 2002, nước tương Chin–su ra đời, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về quê nhà.

Trên đà thắng lợi, Masan tiếp tục cho ra mắt nước mắm Chin-su vào năm 2003.

Xuất phát điểm từ mì gói, năm 2007, Masan đánh chiếm thị trường tiềm năng này bằng sản phẩm Omachi. 

Không dừng lại ở thị trường trong nước, tham vọng chiếm lĩnh thị trường nước ngoài đã được Masan chỉ rõ bằng cái bắt tay với đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan năm 2015. Masan tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN.

Cuối tháng 9.2016, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan và cạnh tranh với hàng trăm sản phẩm cùng loại ở "thủ phủ của nước mắm".

Ngoài việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Dù có đế chế hùng mạnh nhưng do rất kín tiếng trong làm ăn, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang khó được thống kê chính xác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn