MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN sáng 26.9. Ảnh: Tiến Huy

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu nhiều ý kiến hỗ trợ doanh nghiệp

Vũ Long LDO | 26/09/2021 10:51

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kiến nghị nhiều giải pháp để duy trì sản xuất.

2 kiến nghị của VCCI 

Sáng 26.9.2021, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: Cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có.

Trong bối cảnh này, cộng đồng DN đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó COVID-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau.

Từ cơ sở đó, VCCI đề xuất 2 kiến nghị: Thứ nhất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN.

Để chống COVID-19 lâu dài, cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch, phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn...

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị xem xét đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế”, để cùng với nhiệm vụ chống dịch, việc duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các DN.

Chính sách hỗ trợ phải đủ lớn để DN đủ sức vực sản xuất

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, với quan điểm coi DN là một chủ thể trong cuộc chiến chống COVID-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định "sống chung" lâu dài với dịch bệnh, cộng đồng DN cũng đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ để sản xuất ổn định trong tình hình mới. Ảnh: Vũ Long

Công tác phòng chống dịch bệnh trở thành một phần không tách rời của quy trình sản xuất kinh doanh của DN, của quản trị DN; chi phí phòng chống dịch bệnh cũng thành một phần tất yếu của chi phí sản xuất.

Vì vậy, VCCI đề nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của DN trong điều kiện bình thường mới.

"Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét phương án điều chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền cho phép nâng giới hạn làm thêm giờ để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình “3 tại chỗ”, mô hình “bong bóng sản xuất” và để đáp ứng nhu cầu trả đơn hàng đúng hạn sau thời gian dài sản xuất bị đình trệ" - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Đặc biệt, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.

Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

"Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN. Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi" - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn