MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ vườn chia sẻ bí quyết giúp hồ tiêu Gia Lai "sống khỏe"

PV LDO | 18/06/2019 18:14
Hiện, ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhiều diện tích hồ tiêu chết do dịch bệnh hoặc do thời tiết cực đoan gây ra. Trong khi đó, nhiều nơi ở Gia Lai cây tiêu của bà con nông dân vẫn đang "sống khỏe" nhờ cách chăm sóc khoa học, hợp lý.
Suốt 7 năm qua, vườn tiêu của ông Lê Hùng Huấn (ngụ xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) có diện tích hơn 7 ha, tất cả đều được trồng theo hướng bón phân hữu cơ, năng suất trung bình từ 7-8 tấn/ha, giá bán cho thương lái luôn duy trì ở mức ổn định. Ngoài ra, ông còn trồng một số loài cây khác như cao su... trong vườn để cải thiện thu nhập. Ảnh: P.V
Ông Huấn tâm sự, ngay từ những ngày đầu khi bắt đầu trồng tiêu tôi đã tiến hành bón phân hữu cơ cho cây nhằm giúp nó có "sức đề kháng" để chống chọi với dịch bệnh và trường hợp thời tiết cực đoan ngoài ý muốn. Thực tế cũng chỉ ra rằng, trong vài năm qua, khi nhiều người dân phải lao đao vì tiêu chết do dịch bệnh và ngập úng thì vườn tiêu nhà tôi vẫn sống "khỏe". Ảnh: P.V
 
Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, thông tin: Chư Sê hiện là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn ở tỉnh Gia Lai, tuy vậy trong vài năm trở lại đây người dân trồng tiêu ở đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tiêu chết do bệnh hoặc ngập úng và tiếp đến là mất giá nghiêm trọng. Trước tình hình đó, một số người đã chuyển sang bón phân hữu cơ cho tiêu, số khác cũng chấp nhận mạo hiểm chuyển đổi cây trồng, bỏ trồng tiêu để trồng một số cây dược liệu, cây ăn quả ngắn ngày... để cải thiện thu nhập. Ảnh: P.V
 
Mặc khác, cũng có một số hộ dân tiến hành trồng xen canh một số loài cây ăn quả khác ngay trong vườn hồ tiêu để tăng thu nhập nhưng cây tiêu vẫn phát triển bình thường, ông Hợp cho hay.

 
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), chỉ tính riêng phân hữu cơ vi sinh thì cứ 100% hộ trồng tiêu ở Đăk Nông thì có 35,7% hộ sử dụng loại phân này, con số này ở Đăk Lắk là 35,6% và cao nhất là Gia Lai với 64,7%. Ảnh: P.V
 
Ông Trịnh Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai, bày tỏ: Giữa lúc tiêu chết do nắng nóng hoặc dịch bệnh thì bón phân hữu cơ cho hồ tiêu sẽ đảm bảo cho cây “sống khỏe” và sản lượng duy trì ở mức ổn định, và cho ra đời hạt tiêu chất lượng cao. Hiện nay, chúng tôi rất mong muốn bà con nông dân có thể chuyển hẳn sang bón phân hữu cơ cho cây tiêu thay vì bón phân bón truyền thống.  Ảnh: P.V
 
Th.s Nguyễn Quang Ngọc – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hồ tiêu (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên), cho biết: Sản xuất hồ tiêu bằng cách bón phân hữu cơ là xu thế chung hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước trên thế giới. Đây là cách thức khả thi nhất để phát triển cây hồ tiêu bền vững. Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo độ phì nhiêu của đất, tạo môi trường thích hợp cho vi sinh vật hoạt động, giảm thiểu tác hại của các sinh vật gây bệnh cho cây hồ tiêu. Ảnh: P.V
Hiện nay, nhiều hộ dân trồng tiêu ở địa bàn tình Gia Lai đã tiến hành cùng nhau hợp tác với nhau để thành lập " Tổ sản xuất tiêu sạch" theo hướng bón phân hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật  nhằm chống chọi với những khó khăn mà cây hồ tiêu đang gặp phải trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: P.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn