MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ NNPTNT, Công Thương đang phối hợp với địa phương hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Ảnh minh họa: TL

Chưa thu hoạch 8,6 triệu tấn lúa hè thu xong, đã lo tiêu thụ lúa thu đông

Vũ Long LDO | 18/08/2021 17:11

Trong khi 8,6 triệu tấn lúa hè thu chưa được thu hoạch xong, nông dân ĐBSCL lại đối mặt với áp lực tiêu thụ 3,9 triệu tấn lúa thu đông.

Còn 690 nghìn hecta lúa hè thu chưa thu hoạch

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện diện tích lúa hè thu (tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL) chưa thu hoạch là 690 nghìn hecta đang ở giai đoạn trổ đòng và chín. Các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ước cả vụ đạt 1,510 triệu hecta, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, lúa thu đông đã gieo sạ được 400 nghìn trong tổng số 700 nghìn hecta kế hoạch đề ra, đạt 57%.

Cùng với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT (thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT ở phía Nam) đang tích cực phối hợp với 13 tỉnh ĐBSCL để kết nối với các đầu mối, đẩy mạnh thu mua, hỗ trợ tiêu thụ lúa cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang, cho biết: Trong tuần qua, sau khi lên khoảng 200-500 đồng/kg tuỳ giống, thì đầu tuần này giá lúa đã chững lại, hôm nay (18.8) giá một số giống lúa đã quay đầu giảm 100-200 đồng/kg.

“Mặc dù tỉnh đã gửi nhiều văn bản để đề nghị hỗ trợ thu mua nhưng doanh nghiệp thu mua rất ít, giảm 50% so với năm trước” – ông Nguyễn Sĩ Lâm nói.

Điều đáng nói là, trong khi lúa hè thu chưa bán được, thì người nông dân đang chuẩn bị đối mặt với áp lực sản xuất, tiêu thụ lúa thu đông.

“Hiện nay, địa phương đang lo lắng về tiêu thụ lúa thu đông với khoảng 1 triệu tấn” – ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang, hiện tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch được trên 600 nghìn tấn lúa, đến hết ngày 15.9 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa hè thu còn lại với sản lượng 800 nghìn tấn. Đối với vụ thu đông, tỉnh cũng đã xuống giống được 88 nghìn hecta, dự kiến thu hoạch đến cuối tháng 9. Tổng sản lượng 2 vụ hè thu và thu đông của tỉnh Kiên Giang khoảng 1,3 triệu tấn lúa, trong đó, nhu cầu trong tỉnh chỉ khoảng 245 nghìn tấn, còn 1,1 triệu tấn phải kết nối để tiêu thụ.

Khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), vụ hè thu được thu hoạch rộ ngay thời điểm mưa nhiều nên lúa phải được sấy qua các thiết bị máy móc. Tuy nhiên, hiện nay việc vận chuyển lúa từ đồng ruộng đến nhà máy bị gián đoạn giữa các huyện, các tỉnh với nhau do thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo. Các thương nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gạo thành phẩm, làm chậm việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó. Điều này khiến giá lúa tươi tại ruộng liên tiếp giảm trong thời gian qua.

Trong khi đó, thực tế hiện nay, tại 13 tỉnh ĐBSCL, thì hầu như tỉnh nào cũng thiếu hụt lao động và không có thương lái đi thu mua vì tâm lý sợ bị lây bệnh COVID-19. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến quá trình giao hàng gặp khó khăn, phát sinh nhiều chi phí, thiếu công nhân bốc xếp. Trong khi đó, tiến độ xếp hàng tại cảng chậm, mỗi ngày chỉ xếp được 400-500 tấn. Một số tàu thay đổi địa điểm nhận hàng sang cảng Mỹ Thới để thuận tiện đóng hàng, một số tàu khác dời lịch vào cảng, chỉ một vài doanh nghiệp chủ yếu đóng hàng container.

Từ ngày 16.8.2021, Bến 125 Cảng Cát Lái mở thêm 2 luồng với công suất 70 container/ngày, nhưng cũng chỉ có khoảng 1.750 tấn gạo được đóng rút để xuất khẩu.

Các doanh nghiệp đang bức xúc khi hiện nay, có đến gần 40% doanh nghiệp chế biến tại ĐBSCL phải cắt giảm lao động hoặc đóng cửa, nếu hoạt động thì quy mô bị giảm gần 50%. Điều này vừa gây chậm trễ tiến độ thu hoạch vụ hè thu, vừa chậm sản xuất vụ thu đông, thiệt hại của nông dân là không nhỏ.

"Các địa phương phải giải quyết vận hành từ ngoài đồng đến nhà máy, làm sao các khâu sấy, xay xát được triển khai ở tất cả các nhà máy với công suất từ 100-150%, thời gian hoạt động 24/24 thì mới đảm bảo tất cả lúa thu hoạch về được chế biến đúng thời gian, bảo quản để đảm bảo chất lượng" - ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn