MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa tới 30% doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch

CAO NGUYÊN LDO | 05/08/2019 19:00

Tính tới hết quý 2 năm 2019, mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt - thực hiện cổ phần hóa. Thông tin này được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra trong buổi họp báo chiều 5.8. 

Ông Tiến cho rằng, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra. Theo đó, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng thì năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.

Tính đến hết quý 2, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định 1232 thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng.

Trong đó, Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng Công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỉ đồng, thu về 1.587 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý 2, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỉ đồng, thu về 8.765 tỉ đồng.

Đối với tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết Quý II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỉ đồng, thu về 2.174 tỉ đồng.

Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỉ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex), thu về 2.002 tỉ đồng.

Bộ Tài chính khẳng định, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Để chậm trễ trong cổ phần hóa, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng đã có những trường hợp bị phê bình. Ông lấy ví dụ về trường hợp hai thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chậm trễ trong cổ phần hóa.

"Thủ tướng đã có công văn phê bình gửi Thành phố Hồ Chí Minh nhắc nhở từng nội dung," lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Ông cũng nói thêm, bản thân ông đã làm việc với lãnh đạo thành phố này. "Bản thân lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, muốn cổ phần hóa nhưng khó nhiều cái," ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ.

Theo ông Tiến, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa.

Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn