MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa tự do nhập khẩu, phân phối, chưa nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng

Cường Ngô LDO | 08/02/2023 13:10

Chuyên gia kinh tế cho rằng, càng sớm đưa mặt hàng xăng dầu tiến tới thị trường thì càng tốt, nhưng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về tự do nhập khẩu, tự do phân phối. Thời điểm này, mặt hàng xăng dầu chưa làm được điều đó thì chưa nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu như đề xuất của VCCI.

Để doanh nghiệp tự định giá xăng dầu

Trong văn bản góp ý sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc lựa chọn phương án cho doanh nghiệp được "tự quyết" giá bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, nếu để doanh nghiệp định giá bán lẻ, giá bán xăng dầu sẽ do cung cầu quyết định và sẽ phụ thuộc mức độ cạnh tranh của thị trường, thị trường có cạnh tranh cao thì giá bán sẽ sát với chi phí. Nhiệm vụ của Nhà nước là duy trì sự cạnh tranh này.

"Nhà nước vẫn có nhiều hình thức để kiểm soát yếu tố này, kiểm soát bằng hình thức doanh nghiệp khi tăng giá, định giá thì vẫn phải có báo cáo cho các cơ quan quản lý Nhà nước và Nhà nước vẫn thực hiện các trường hợp hậu kiểm. 

Tức là mặt hàng xăng dầu vẫn thực hiện điều chỉnh theo Luật Giá, nhưng cách thức thực hiện thay vì chúng ta cứng nhắc ấn định giá bán lẻ thì có thể kiểm soát bằng các hình thức khác. Hiện nay khá nhiều mặt hàng trên thị trường Nhà nước quản lý theo cách này", ông Tuấn nói.

Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 95 trong thời gian qua. Ảnh: Cường Ngô 

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đồng tình với phương án này. Ông cho rằng, điều này phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động phức tạp, các phát sinh chi phí chỉ được tính vào giá bán xăng dầu 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần, khiến doanh nghiệp chịu thiệt.

Bởi công thức tính giá bình quân gia quyền của các doanh nghiệp xăng dầu vô hình trung khiến một số doanh nghiệp lợi lớn, nhưng cũng khiến số doanh nghiệp khác chịu lỗ.

Do vậy, nếu để doanh nghiệp tự tính giá bán lẻ, với công thức tính giá của cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể căn cứ trên các chi phí của mình để đưa giá ra bán lẻ:

Doanh nghiệp tự định giá xăng dầu dựa trên các phân tích chưa thấu đáo

Trao đổi với Lao Động, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, một thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa là cả bên bán buôn và bán lẻ chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh một cách bình đẳng. Tuy nhiên hiện tại, xăng dầu vẫn phải thực hiện đúng theo Luật giá và quản lý với tư cách là một mặt hàng bình ổn. 

"Càng sớm đưa mặt hàng xăng dầu tiến tới thị trường thì càng tốt, nhưng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về tự do nhập khẩu, tự do phân phối. Thời điểm này, mặt hàng xăng dầu chưa làm được điều đó nên Nhà nước vẫn phải quản lý. Đề xuất để doanh nghiệp tự định giá xăng dầu dựa trên các phân tích chưa thấu đáo", ông Phong cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu cần được xem xét cẩn trọng.

"Chúng ta có thể cho phép các doanh nghiệp tự kinh doanh khi chúng ta xác định được các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh và Nhà nước phải khống chế được giá bán lẻ tối đa của mặt hàng này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng", ông nói.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, một vật tư quan trọng cho nên mỗi sự biến động dù là nhỏ nhất của mặt hàng này đều tác động tới toàn bộ nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Cho nên tất cả các quốc gia đều rất coi trọng vấn đề an ninh năng lượng, trong đó có an ninh về xăng dầu.

"Phương án cho doanh nghiệp tự quyết giá bán là không có ý nghĩa gì khi một mặt hàng vẫn còn có doanh nghiệp thống lĩnh, nắm 50% thị phần. Doanh nghiệp chỉ tự quyết giá khi mặt hàng này không có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn