MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn cung để xuất khẩu gạo phẩm cấp cao sang thị trường EU. Ảnh: Trung An

Chuẩn bị xuất khẩu khoảng 100 nghìn tấn gạo vào EU theo EVFTA

Vũ Long LDO | 08/09/2020 10:44

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng để xuất khẩu gần 100 nghìn tấn gạo sang Châu Âu (EU) theo hạn ngạch thỏa thuận của EVFTA.

Sáng 8.9, Bộ NNPTNT tổ chức cuộc họp thông tin về việc Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục, các doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu gạo sang EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do (FTA) được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất trong tổng số 13 hiệp định Việt Nam tham gia hoặc ký kết.

"EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như: Rau quả, thủy sản, lâm nghiệp, gạo... Trong đó, gạo là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch khi thực thi EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo/năm (gồm 50 nghìn tấn gạo trắng, gạo lức và 30 nghìn tấn gạo thơm).

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu ước khoảng 100 nghìn tấn vào EU.

Theo Cục Trồng trọt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nước xuất khẩu gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể: 175 Euro/tấn (năm 2019); 150 Euro/tấn (năm 2020) và 125 Euro/tấn (năm 2021).

Thông tin tới PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Trong tổng khối lượng gạo cho xuất khẩu năm 2020 với 6,74 triệu tấn, nhóm gạo chất lượng cao chiếm 45% với 3,03 triệu tấn. Giống gạo OM5451 và OM4900 nằm trong danh mục xuất khẩu EU chiếm khoảng 30%, tương đương 2,02 triệu tấn.

“Nhóm gạo thơm, đặc sản chiếm 30% với 2,02 triệu tấn. Trong đó giống Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào (nằm trong danh mục xuất khẩu EU) chiếm 15%, tương đương 1,01 triệu tấn” – ông Nguyễn Như Cường cho biết.

Với vai trò là doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Trường – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) - cho biết: Để xuất khẩu gạo vào EU, công ty đã chuẩn bị ngay từ khi EVFTA đang đàm phán, bắt đầu với vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn hệ thống quản lý FSSC 22000. Chứng nhận được cấp sau 8 tháng vận hành và trải qua quá trình đánh giá khắt khe và nghiêm ngặt.

Được biết, năm 2019, Vinaseed đã xuất khẩu trên 2.000 tấn gạo sang EU đạt kim ngạch khoảng 2 triệu USD, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 5.000 tấn trong năm nay.

“Khi thuế suất giảm về 0%, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường cao cấp này” – ông Trường nhấn mạnh.

Đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo sang EU theo phẩm cấp cao, khi EVFTA có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine với 3 doanh nghiệp ở Đức, với giá là 1.008 USD/tấn (FOB) tại cảng TPHCM.

Theo ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty Trung An, lô hàng đầu tiên xếp vào ngày 27.8 có 6 container (tương đương 150 tấn gạo). Công ty đang đóng hàng để xuất tiếp lô thứ hai.

EU có những quy định rất chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo. Để có thể xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính này, Công ty Trung An đã chuẩn bị vùng nguyên liệu từ năm 2012. Tại các vùng nguyên liệu này, người nông dân phải trồng lúa theo quy trình GlobalGAP.

Ngày 4.9.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.

Theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP, quy định về chủng gạo thơm được chứng nhận là gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo quy chuẩn quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, tỉnh/thành phố); lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn