MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng chỉ rừng cho nhóm hộ

Nga Hà LDO | 18/12/2020 18:58

Chứng chỉ rừng là một yêu cầu cấp thiết để tăng khả năng tiếp cận của các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam vào thị trường cao cấp.

Tuy nhiên thực hiện chứng chỉ rừng tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian, đặc biệt đối với các hộ gia đình, quản lý 1-2 hecta và rừng phân bố phân tán. Trong nhiều trường hợp, chi phí cao là một trở ngại lớn nhất cho các chủ rừng nhỏ thực hiện chứng chỉ rừng.

Vậy chứng chỉ rừng theo nhóm là gì, những lợi ích của cách tiếp cận này và vì sao Việt Nam nên nhân rộng mô hình này trong quá trình áp dụng hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS).

Những lợi ích chính của chứng chỉ rừng theo nhóm

Chứng chỉ rừng theo nhóm là một cách phương thức thực hiện chứng chỉ rừng nhằm thích ứng với các hệ thống quản lý đất và rừng phức tạp và đa dạng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nhiệt đới, để đạt được chứng chỉ quản lý rừng (FM) và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC). Việc các hộ gia đình và cộng đồng tham gia vào các nhóm chứng chỉ rừng giúp cho việc chia sẻ thông tin, nhu cầu, kinh nghiệm và quá trình truyền đạt các kĩ thuật sản xuất tốt và bền vững được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, quá trình chuẩn bị các tài liệu và minh chứng cho việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng của bên thứ ba tốn rất nhiều thời gian, do vậy, việc thực hiện theo nhóm sẽ giúp các thành viên san sẻ thời gian và gánh nặng cho hoạt động chuẩn bị này. Đặc biệt, khi có các mô hình và cấu trúc nhóm phù hợp, các trưởng nhóm chứng chỉ rừng có thể hỗ trợ các thành viên một cách tích cực và hiệu quả.

Mặt khác, việc áp dụng chứng chỉ rừng theo nhóm giúp giảm chi phí cho các chủ rừng nhỏ khi thực hiện chứng chỉ rừng rất nhiều. Nhóm càng nhiều thành viên và diện tích rừng càng lớn thì sẽ chi phí thực hiện càng thấp. Ví dụ, chi phí cơ bản đánh giá cấp chứng chỉ lần đầu cho một chứng chỉ quản lý rừng bền vững dao động trong khoảng 150-200 triệu đồng.

Về nguyên tắc, chi phí cơ bản này áp dụng cho một lần đánh giá chính cho một chứng chỉ, bất kể diện tích rừng thuộc chứng chỉ đó. Cần lưu ý rằng, chi phí toàn bộ cho việc đánh giá một chứng chỉ chắc chắn sẽ lớn hơn, và dao động tuỳ thuộc vào số lượng mẫu cần kiểm tra, số lượng thành viên và tính phức tạp của rừng nơi làm chứng chỉ.

Có thể thấy rằng, chi phí đánh giá này rất cao so với khả năng tài chính của một hộ gia đình. Tuy nhiên khi các hộ liên kết với nhau để có diện tích đủ lớn thì chi phí này sẽ giảm đi rất đáng kể. Do đó mô hình chứng chỉ rừng theo nhóm cho phép nhân rộng diện tích áp dụng chứng chỉ rừng một cách nhanh chóng, hiệu quả với mức chi phí phù hợp.

Các mô hình chứng chỉ rừng theo nhóm ở Việt Nam

Việt Nam có khoảng 2 triệu hộ gia đình, quản lý khoảng 3,4 triệu hecta, chiếm khoảng 25% diện tích rừng cả nước. Như vậy, các hộ gia đình thường quản lý một diện tích rất nhỏ, và phần lớn các diện tích rừng này rất phân tán. Do vậy, chứng chỉ rừng theo nhóm là một mô hình tối ưu để mở rộng diện tích chứng chỉ rừng trên toàn quốc.

Chứng chỉ rừng theo nhóm là một mô hình tối ưu. Ảnh minh họa: Lan Anh

Thực tế cho thấy, ở nước ta trong tổng số diện tích hơn 280 nghìn hecta rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chỉ có khoảng 10% diện tích đó thuộc quản lý của các hộ gia đình, phần còn lại là thuộc các công ty lâm nghiệp. Các diện tích có chứng chỉ của các hộ gia đình đều thuộc các nhóm chứng chỉ rừng, ví dụ Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị; hoặc Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các hội này được thành lập bởi Chi cục kiểm lâm và chi cục lâm nghiệp, với sự hỗ trợ của các tổ chức khác, ví dụ như WWF (Tổ chức Thế giới về bảo tồn thiên nhiên). Những Hội này đóng vai trò đại diện của nhóm để làm việc trực tiếp với các tổ chức đánh giá, cũng như hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuẩn bị tài liệu và các minh chứng cho việc đánh giá cấp chứng chỉ.

Một yêu cầu cấp thiết đó là làm thế nào để các Hội này tồn tại độc lập và lâu dài để hỗ trợ cho các thành viên trong việc duy trì chứng chỉ sau khi được cấp; đặc biệt là khi sự hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài cả về kỹ thuật và tài chính kết thúc.

Trong bối cảnh đó, liên minh hợp tác xã có thể là một tổ chức phù hợp cho việc phát triển chứng chỉ rừng theo nhóm. Thực tế, mô hình thực hiện chứng chỉ rừng theo nhóm thông qua Liên minh hợp tác xã đang được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Phú Yên.

Liên minh hợp tác xã của mỗi tỉnh là trưởng nhóm cho một chứng chỉ rừng theo nhóm của từng tỉnh. Đây là một bước thử nghiệm quan trọng nhằm đánh giá một cách chính xác việc sử dụng mô hình liên minh hợp tác xã để thực hiện và nhân rộng chứng chỉ rừng theo nhóm ở Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn