MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số chứng khoán VN-Index vượt đỉnh 1.204 điểm khá chắc chắn trong phiên ngày 1.4 vừa qua. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: 2 lần VN-Index phá đỉnh, vì sao lần này chắc hơn để lướt

Thế Lâm LDO | 04/04/2021 07:28

Tính trong phạm vi năm 2021, trong đó từ ngày 18.3 tới nay, chỉ số chứng khoán VN-Index đã có 2 lần vượt ngưỡng 1.200 điểm cũng như 2 lần phá đỉnh 1.204 điểm, nhưng theo cách hoàn toàn khác nhau.

Lần vượt ngưỡng ngày 18.3: Chưa hội đủ yếu tố cần và đủ

Lần vượt ngưỡng kháng cự mạnh trong phiên ngày 18.3 của VN-Index được cho rằng ít ngờ. Bởi khi ấy, các yếu tố hỗ trợ và thúc đẩy chỉ số vượt ngưỡng dường như chưa tích tụ đủ.

Thứ nhất là khối ngoại trong mạch bán ròng mạnh, suốt nhiều tuần liền bình quân từ 400-500 tỉ đồng mỗi phiên trên sàn HoSE; tình trạng nghẽn lệnh còn trầm trọng; mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 còn chưa tới gần.

Và đặc biệt, nhóm cổ phiếu trụ vốn hóa lớn VN30 trong thời điểm VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm lại đang thiếu động lực tăng, bị bán ròng, dòng tiền chảy sôi động vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ VNSML là chủ yếu.

Hơn nữa, tính chất vượt ngưỡng mong manh khi chỉ số dừng lại ở mức 1.200,94 điểm, với khoảng cách chỉ là 0,94 điểm.

Và cũng trong phiên vượt ngưỡng ít ai ngờ ấy, có lúc chỉ số đã chạm vào đỉnh lịch sử 1.204 điểm ngay trong phiên. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường chưa đủ mạnh, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 15.400 tỉ đồng trên sàn HoSE nhưng trong đó chỉ có gần 88% giá trị từ giao dịch khớp lệnh, tương ứng hơn 13.530 tỉ đồng.

Chính vì thế, VN-Index chỉ duy trì được ở mức trên ngưỡng 1.200 điểm đúng 24 giờ thì phiên hôm sau 19.3 đã bị tụt xuống mốc 1.194 điểm.

Lần phá đỉnh ngày 1.4: VN30 trở lại và sự lợi hại của dòng tiền

Sau ngày 18.3 đúng 2 tuần, tức ngày 1.4, VN-Index lần thứ 2 vượt ngưỡng 1.200 điểm và phá đỉnh 1.204 điểm vào cuối phiên, chỉ số kết phiên dừng ở mức 1.216,1 điểm.

Lần này, khoảng cách điểm số tạo ra đối với cả 2 mốc là khá an toàn, lần lượt hơn 16 điểm và hơn 12 điểm. Hơn nữa, trong phiên tăng vượt ngưỡng và phá đỉnh ngày 1.4, dòng tiền đã quay trở lại nhóm cổ phiếu VN30 mạnh mẽ hơn, chiếm đến 56% giá trị thanh khoản toàn sàn HoSE, sau phiên đã nhích lên mức hơn 50% trước đó.

Cần biết rằng, trong những phiên cách đó 2 tuần, giá trị thanh khoản của nhóm VN30 thường chỉ chiếm trên dưới 45% tổng giá trị giao dịch trên HoSE. Ngay cả phiên chỉ số vượt ngưỡng 1.200 điểm ngày 18.3, tỉ lệ này cũng chỉ đạt 44,4%.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong hàng chục năm qua, VN-Index muốn tăng mạnh mẽ, bứt phá vượt các ngưỡng kháng cự mạnh tạo khoảng cách an toàn cao, luôn phải cần đến sự bật tăng mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 về cả thanh khoản và điểm số. Lần vượt ngưỡng ngày 1.4, thị trường đã cho thấy điều đó.

Và thêm nữa như đề cập ở trên, dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn song hành với giá trị thanh khoản tăng theo. Bình quân của 2 phiên ngày 1 và 2.4, thanh khoản trên sàn HoSE đạt xấp xỉ 16.670 tỉ đồng mỗi phiên.

Và tính chất tăng của phiên ngày 1.4 cũng không “rón rén” hay “gắng gượng” chỉ nhờ vào lực kéo của vài cổ phiếu lớn, mà đà tăng lan tỏa trên diện rộng gần như toàn thị trường, với số mã tăng hoàn toàn áp đảo và mức tăng trên mỗi mã cũng cao hơn nhiều.

Chính vì đà tăng chắc chắn hơn, các dự báo đang cho rằng, chỉ số VN-Index có khả năng cao tiếp tục đi lên hướng tới mục tiêu 1.250-1.300 điểm trong ngắn hạn. Và kéo theo, nhà đầu tư đang có cơ hội rộng mở để lướt sóng tìm kiếm cơ hội lợi nhuận trong dịp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn