MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán 2022 ngày càng khó, không còn chỗ cho làm giàu nhanh

Đức Mạnh LDO | 15/03/2022 07:30

Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số VNIndex chỉ ghi nhận vỏn vẹn 19/45 cây nến xanh nhưng nến đỏ xuất hiện dày đặc. Bất chấp số tài khoản chứng khoán vẫn tăng kỷ lục, tâm lý nhà đầu tư giờ đây thận trọng hơn, dòng tiền thông minh không còn quá "liều lĩnh" như 2021.

Dòng vốn dần rời bỏ chứng khoán chuyển sang kinh doanh, sản xuất

Năm 2021 là một năm đầy cảm xúc của giới đầu tư cả trong nước và thế giới khi thêm nhiều người đổ xô đầu tư cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 diễn biến thăng hoa với nhiều đỉnh mới được thiết lập. Theo thống kê, thị trường có tới 463 cổ phiếu tăng giá trên 100%, gấp 3 lần con số 148 trong năm 2020. Kỷ lục cổ phiếu tăng giá năm qua gấp 21,5 lần, tương ứng tỉ lệ tăng 2.050%.

Bước sang năm 2022, thế hệ F0 đã "sang chấn tâm lý" khi thị trường điều chỉnh liên tục với hàng loạt phiên giảm sâu. Tính từ đầu năm đến nay, VNIndex chỉ ghi nhận vỏn vẹn 19/45 "cây nến xanh".

Nếu như thời gian trước sau mỗi cây nến đỏ cường lực là một cây nến xanh hấp thụ lại toàn bộ thì trong 7 phiên qua không có một cây nến xanh nào đủ sức hỗ trợ.

Dòng tiền có sự phân hóa đáng kể, chủ yếu chạy theo nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Tỉ trọng phân bổ chuyển hướng đổ vào nhóm hàng hoá, chứng khoán, xây dựng và vật liệu, giảm ở nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, bất động sản.

Chứng khoán Việt Nam biến động mạnh suốt 3 tháng qua chủ yếu theo 3 yếu tố.

Thứ nhất, xung đột Nga - Ukraina đang xoáy sâu vào áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dự báo nối dài sang 2022. Lạm phát tiếp tục leo thang tại nhiều quốc gia khi giá nhiên liệu liên tục tăng.

Thứ hai, nhà đầu tư đang ngóng chờ diễn biến lãi suất. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3, nhiều khả năng Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, nền kinh tế Châu Âu đang gặp phải nhiều khó khăn khiến ECB chưa rõ ràng trong động thái tăng lãi suất.

Thứ ba, các hoạt động kinh tế gần như được khôi phục ở các nền kinh tế có độ bao phủ vaccine cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm tới nay, dòng vốn của các nhà băng đã phân bổ 79,46% vào hoạt động kinh doanh sản xuất, trong khi đó chứng khoán chỉ chiếm 0,54%.

Điều này có nghĩa động lực từ các F0 chứng khoán đang vơi đi vì tâm lý cẩn trọng cao, bệ đỡ nhờ dòng tiền mạo hiểm dần hao mòn. Năm nay được dự báo giảm khả năng xuất hiện những pha tăng điểm không chút sợ hãi như 2021.

  Phân bổ dòng vốn ngân hàng vào nền kinh tế từ đầu năm 2022. Đồ hoạ: Đức Mạnh

VNIndex tiếp tục điều chỉnh trên vùng hỗ trợ mạnh 1.425 điểm

Chứng khoán SSI nhận thấy tín hiệu khá tiêu cực khi chỉ số VNIndex hiện đã xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.470 rồi 1.450 điểm kèm với khối lượng giao dịch tăng lên. Với diễn biến trên, VNIndex nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425 - 1.400 điểm.

  Chỉ số chung đã trượt nhiều vùng hỗ trợ mạnh và đang chơi vơi trên đường MA200. Ảnh chụp màn hình

Theo Chứng khoán VCBS, dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỉ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu ở vùng giá chiết khấu cho danh mục trung - dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.

Chứng khoán Yuanta nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Chiến lược ngắn hạn là nên thận trọng với xu hướng hiện tại. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với tỉ trọng 55% - 60%. Đồng thời xem xét cơ cấu giảm nhẹ tỉ trọng cổ phiếu với các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ trong ngắn hạn. Về trung hạn, nhà đầu tư có thể xem xét nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng 50% danh mục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn