MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán: 4 dấu hiệu quan trọng dự báo VN-Index tạo đáy

Đức Mạnh LDO | 14/11/2022 13:15

Hiện tại, chỉ số chứng khoán VN-Index đang ở vùng định giá thấp với mức chiết khấu sâu. Diễn biến về thanh khoản cũng như một số chỉ tiêu vĩ mô khá tương đồng với các giai đoạn tạo đáy trước đó nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tâm lý tiêu cực. 

Chỉ số VN-Index đang kéo dài xu hướng giảm với những phiên mất điểm liên tiếp cùng mức độ lớn. Đặc biệt trong phiên ngày 10.11.2022, VN-Index đã chính thức mất mốc 950 điểm với mức giảm gần 4%.

Trước bối cảnh này, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã đánh giá lại một số yếu tố chính trong các đợt giảm giá trước để xác định đâu là đáy.

1. Dấu hiệu về chỉ số và số lượng cổ phiếu tăng/giảm giá

VN-Index đã trải qua 7,3 tháng trong xu hướng giảm điểm khi mất tổng cộng 37,87%. Dù vậy vẫn thấp hơn mức trung bình gần 40%. Hiện tỉ trọng trung bình số lượng cổ phiếu giảm giá đã đạt gần 50%, tương đương đợt 1 vào 2007 - 2009.

Ở khía cạnh khác, khi thị trường thiết lập được vùng đáy, VN-Index cần 0,8 tháng để đạt được mức tăng trung bình 6,16% trong 5 đợt gần đây nhất.

Thống kê VN-Index trong các giai đoạn chứng khoán phục hồi trước đây.

2. Dấu hiệu về chỉ số P/E và P/B ngoài vùng -2 độ lệch chuẩn

Hiện tại, P/E và P/B của VN-Index đang trong vùng định giá ở ngoài vùng -2 độ lệch chuẩn mức bình quân 5 năm. Đồng thời, mức định giá tại ngày 10.11 kết thúc ở mức 9,87 lần, thấp hơn đợt giảm điểm khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020. Mức định giá hiện nay vẫn cao hơn so với đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và giai đoạn 2009 - 2012.

Thống kê mức P/E và P/B của VN-Index trong các giai đoạn hình thành vùng đáy.

3. Dấu hiệu về thanh khoản và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài

Ngoại trừ đợt sụt giảm do đại dịch COVID-19 năm 2020, sau 1 tháng kể từ mức đáy được thiết lập thì thanh khoản có xu hướng tiếp tục suy giảm trên 40%. Sau 3 tháng, thanh khoản dần cải thiện, tuy nhiên vẫn giảm trung bình khoảng 2%. Đặc biệt đợt 2 và đợt 4 thanh khoản tiếp tục suy giảm lần lượt là 32% và 17% so với giai đoạn hình thành đáy.

  Diễn biến thanh khoản VN-Index trong các giai đoạn hình thành vùng đáy.

Ở góc độ về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, sau 1 tháng kể từ khi đáy hình thành thì dòng tiền có xu hướng rút ròng và sau 3 tháng trở đi dòng tiền quay trở lại mua ròng.

  Hoạt động của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong các giai đoạn. 

4. Dấu hiệu về lãi suất và lạm phát

Trong 5 đợt điều chỉnh giảm trước đây, tỉ lệ lạm phát, lãi suất điều hành có dấu hiệu tăng và tạo đỉnh trong quá trình hình thành vùng đáy. Sau đó, mặt bằng lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động có xu hướng giảm, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Cụ thể, vào giai đoạn 2007 - 2012, lãi suất điều hành và tỉ lệ lạm phát có xu hướng tăng và duy trì ở mặt bằng cao trước khi điều chỉnh giảm vào giai đoạn sau đó. Đối với giai đoạn 2015 - 2016 và 2018, mặt bằng lãi suất điều hành có xu hướng ổn định trong khi tỉ lệ lạm phát duy trì ở mức hợp lý. 

Đối với lãi suất huy động bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước có xu hướng tăng và giữ ở mức cao trong 3 tháng và điều chỉnh giảm nhẹ kể từ vùng đáy. Đợt sụt giảm lần 5 do đại dịch COVID-19 có diễn biến khác biệt so với các lần trước đó khi diễn ra trong thời gian ngắn và Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng bên cạnh các gói hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp thị trường chứng khoán có 2 năm thăng hoa sau đó.

Diễn biến lãi suất điều hành, tỉ lệ lạm phát, lãi suất huy động trong các giai đoạn.

Các chuyên gia từ BSC đánh giá: "Quan điểm điều hành và định hướng chính sách ở các lĩnh vực trọng yếu trong thời gian tới kết hợp cùng bối cảnh thế giới thuận lợi hơn sẽ là yếu tố quan trọng để VN-Index sớm định hình được vùng đáy và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn