MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số chứng khoán hiện cho thấy sự khó đoán về khả năng vượt ngưỡng 1.400 điểm. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: 9 phiên “tắm một khúc sông”, còn cơ hội vượt mốc 1.400 điểm?

Thế Lâm LDO | 23/10/2021 21:06

TPHCM - Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 22.10, chỉ số chứng khoán VN-Index có gần chục phiên liên tục gần đây nhất dao động trong vùng cận 1.400 điểm. Chỉ số lúc này được cho rằng đang “tắm trên cùng một khúc sông” quá lâu.

Bào mòn sự kiên nhẫn

Trên thực tế theo thống kê chỉ số VN-Index 2 tuần giao dịch vừa qua, ngoài phiên ngày 21.10 chỉ số bất ngờ rớt điểm mạnh trong phiên ATC về dưới ngưỡng 1.390 điểm, 9 phiên còn lại VN-Index đều “tắm trên cùng một khúc sông”.

Có thể nói, VN-Index hiếm khi diễn biến đi ngang trong vùng điểm hẹp như thế trong suốt 21 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán.

Bởi tình trạng đi ngang kéo dài từng diễn ra, biên độ dao động thường trong khoảng từ 20-30 điểm. Khi đó, dù thị trường đi ngang nhưng cơ hội lướt sóng vẫn nhiều, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và nhanh nhạy.

Còn diễn biến đi ngang trong 2 tuần giao dịch vừa qua, biên độ dao động hẹp khiến nhà đầu tư lướt sóng cũng dè chừng hơn. Bởi việc tham gia lướt sóng có thể mang lại tỉ suất lợi nhuận không như kỳ vọng mà thậm chí nếu thị trường đảo chiều thì sẽ trở tay không kịp do hàng chưa về đến tài khoản.

Theo Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, diễn biến đi ngang biên độ hẹp như vậy kéo dài có thể khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn dẫn đến sốt ruột phải bán danh mục ngắn hạn để thu hồi vốn.

Thêm nữa, hiện nhà đầu tư giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao hơn, được cho rằng đến cuối quý 3.2021  vượt mức đỉnh của cuối quý 2 là 145.000 tỉ đồng. Tình trạng đi ngang có thể khiến họ bị bào mòn lợi nhuận hiện có và thậm chí ăn thâm vào vốn vì lãi vay, từ đó có thể cũng mất kiên nhẫn chờ đợi và buộc phải bán ra để giảm bớt tỉ lệ vay.

Có còn cơ hội vượt ngưỡng 1.400 điểm?

9 phiên giao dịch VN-Index “tắm trên cùng một khúc sông” cũng đồng nghĩa trong đó, chỉ số đã có nhiều phiên thử thách vượt ngưỡng 1.400 điểm không thành công. Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.2021 đã đi được một quãng đường, có những doanh nghiệp đã đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng hơn cùng kỳ năm 2020 và quý 2.

Tuy nhiên, với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, đa phần được dự báo có kết quả kinh doanh kém hơn quý 2 do ảnh hưởng thời gian giãn cách kéo dài khiến việc sản xuất, kinh doanh ngừng trệ.

Đây cũng được cho là nguyên nhân chính khiến VN-Index diễn biến ngập ngừng, không rõ xu hướng, thiết động lực chính từ nhóm cổ phiếu trụ để vượt qua ngưỡng 1.400 điểm.

Trong khi đó, VN-Index lúc này gần như phải cần đến một điều kiện duy nhất và cũng là tiên quyết, phải vượt qua ngưỡng 1.400 điểm để kích thích thị trường bùng nổ về điểm số và cả thanh khoản.

Song cơ hội đó có còn hay không, hầu hết các dự báo của những công ty chứng khoán càng ngày càng ít đặt ra kỳ vọng về nó. Cơ hội luôn có nhưng khả năng diễn ra thì được dự báo ngày càng thận trọng hơn.

Bởi với trạng thái chủ yếu của nhà đầu tư trên thị trường lúc này là nắm giữ cổ phiếu, bán ra khi chỉ số tiến đến ngưỡng kháng cự và mua vào dần khi VN-Index rơi xuống vùng hỗ trợ, có thể càng làm cho thị trường diễn biến lình xình kéo dài, thiếu đi sự dứt khoát để bứt phá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn