MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng cơ quan quản lí nợ nhà đầu tư hơn một lời xin lỗi. Ảnh: CLBNBCK.

Chứng khoán: Bao giờ “trả” những “món nợ” cho nhà đầu tư?

Thế Lâm LDO | 25/06/2021 12:36
Nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang mong đợi từng ngày đến thời điểm hệ thống giao dịch điện tử tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE, thường được gọi là sàn HoSE) khắc phục xong tình trạng nghẽn lệnh.

“Món nợ” nghẽn lệnh

Tình trạng nghẽn lệnh đã gây bất lợi như thế nào với nhà đầu tư thì đã quá rõ. Nhưng lớn hơn, nó trở thành lực cản ngăn trở sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến về tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE ngày 24.6, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – đã phải nhìn nhận: “Chúng ta không chỉ nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi mà là nợ nhiều lời xin lỗi”.

Vậy những “món nợ” đó sẽ được trả như thế nào, tất nhiên là không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng hành động thiết thực nhất.

Đó là khắc phục hoàn toàn tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE, trước mắt bằng giải pháp thay thế của FPT, còn xa hơn là dự án công nghệ thông tin KRX do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc triển khai.

Hiện nay, sau một số cải tiến, “ngưỡng kháng cự” về thanh khoản tại sàn HoSE đã tăng lên mức khoảng 22.000-23.000 tỉ mỗi phiên. Nếu giải pháp của FPT được đưa vào vận hành chính thức đúng tiến độ vào đầu tháng 7.2021, khả năng chịu tải là từ 3-5 triệu lệnh giao dịch mỗi phiên.

Tuy nhiên, có một vấn đề phía FPT hiện nay vẫn đang đánh giá để xem mức chịu tải trên mỗi giây là bao nhiêu. Yếu tố này rất quan trọng, đặc biệt là đối với những thời khắc cao điểm giao dịch trên sàn HoSE.

Có một điều rất rõ là, cho dù giải pháp của FPT triển khai đạt từ 3-5 triệu lệnh/phiên hay gấp đôi, gấp ba đi nữa, nhưng nếu khả năng chịu tải khối lượng lệnh giao dịch trên mỗi giây không đáp ứng trong thời khắc cao điểm của thị trường thì tình trạng nghẽn lệnh, thậm chí sự cố, vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Và khi đó, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể lại phải “bóp giao dịch” như đã làm trong thời gian qua.

“Món nợ” T0

Một “món nợ” nữa, mà trong nhiều năm qua nhà đầu tư trong và ngoài nước đã rất trong chờ, đó là rút ngắn thời gian giao dịch T+.

Hiện nay, sàn HoSE đang áp dụng chu kì thanh toán T+2 nhưng thực chất là T+3 vì phải đến giờ giao dịch T+3 thì số tiền/cổ phiếu mới về tài khoản.

Như vậy, T+2 nhưng thực chất phải mất hơn 3 ngày. Một sự chờ đợi quá lâu trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhìn chung đã phát triển rất khác so với 10, 15 năm trước về cả số lượng nhà đầu tư, khối lượng lệnh giao dịch và thanh khoản về khối lượng và giá trị.

Nhưng đáng nói hơn, qui định về chu kì giao dịch T+2 nhưng trên thực tế phải mất hơn 3 ngày chính là một trong những yếu tố lớn và quan trọng nhất trì níu sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Khoảng “thời gian chết” hơn 72 tiếng đồng hồ ngay sau thời điểm khớp lệnh giao dịch chính là “món nợ” lớn thứ hai mà cơ quan quản lí thị trường chứng khoán tại Việt Nam cần đưa ra một lộ trình giải quyết sớm hơn.

Bởi các nhà đầu tư đã phải chờ đợi, mong mỏi điều này từ nhiều năm nay rồi. Và hành lang pháp lí cho vấn đề này cũng đã được ban hành. Cụ thể, Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính cho phép chính thức được áp dụng chu kì thanh toán T0 (trong ngày) trong giao dịch chứng khoán, đã có hiệu lực từ ngày 15.2.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn